Hà Nội

Mi mắt đỏ, ngứa - coi chừng bị viêm bờ mi

31-07-2015 15:04 | Y học 360
google news

SKĐS - Bờ mi đỏ nhẹ, ngứa, có cảm giác bụi ở mắt… Rất có thể mắt bạn đã bị viêm bờ mi. Hãy coi chừng vì bệnh có thể mang đến khá nhiều phiền toái cho cửa sổ tâm hồn của bạn.

Bờ mi đỏ nhẹ, ngứa, có cảm giác bụi ở mắt… Rất có thể mắt bạn đã bị viêm bờ mi. Hãy coi chừng vì bệnh có thể mang đến khá nhiều phiền toái cho cửa sổ tâm hồn của bạn.

Viêm bờ mi mắt là một bệnh lý thường gây viêm kéo dài. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu,...), nấm (pityrosporium,...), ký sinh trùng (demodex,...). Bệnh có thể liên quan với một số bệnh toàn thân, bệnh trứng cá đỏ, bệnh nội tiết, dị ứng,...

Biểu hiện của viêm bờ mi.

Biểu hiện của viêm bờ mi.

Các hình thái viêm bờ mi thường gặp:

Viêm bờ mi đơn thuần

Bờ mi đỏ nhẹ, ngứa, có cảm giác bụi ở mắt. Chớp mắt liên tục với sự xuất hiện của chất tiết bọt ở hai góc của khe mi. Bệnh nhân có cảm giác mỏi mi, đặc biệt vào buổi chiều tối khi nhìn ánh đèn nhiều.

Viêm bờ mi có vẩy

Bệnh nhân có cảm giác ngứa mạnh và thường xuyên, nhạy cảm với bụi và ánh sáng đèn. Bờ mi luôn luôn đỏ và dầy lên. Da ở chân lông mi có những vẩy nhỏ màu trắng xám, khô (trông giống gầu ở da đầu), nếu cậy vảy đi sẽ thấy lộ ra một lớp da mỏng cương tụ.

Viêm loét bờ mi

Là một hình thái nặng và phát triển dai dẳng. Bệnh nhân ngứa nhiều, sợ bụi, sợ ánh sáng. Dọc bờ mi và chân lông mi thấy có những đám mủ vàng khô làm lông mi dính thành từng đám. Lấy những đám mủ khô đi rất khó, thường kéo theo rụng lông mi và để lại những đám loét nhỏ có chảy máu. Hậu quả là tạo những chỗ không mọc lông mi, bờ mi dầy lên và có thể lộn mi.

Điều trị viêm bờ mi mắt thế nào?

Nguyên tắc điều trị viêm bờ mi là cần phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Việc tìm nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng (cần lấy chất tiết hoặc chất nạo bờ mi để soi tươi, soi trực tiếp và nuôi cấy). Người bệnh cần giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân. Điều trị những bệnh mạn tính có liên quan, nâng cao thể trạng.

Việc điều trị tại chỗ phụ thuộc vào từng hình thái:

Ở giai đoạn đầu của hai hình thái đầu: rửa sạch bờ mi bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch với xà phòng nhẹ (nếu có vẩy thì bóc vẩy trước, sau đó mới rửa). Tiếp theo tiến hành matxa mi. Sau đó bôi trà thuốc mỡ kháng sinh (tetraxyclin,...)

Đối với hình thái viêm loét bờ mi: đầu tiên cần bóc vẩy mủ (trước khi bóc vẩy nên bôi vaselin để dễ bóc). Sau đó rửa bờ mi bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch và xà phòng nhẹ. Sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh (tetraxyclin,...) 3-4 lần/ngày. Khi đã hết vẩy mủ, có thể dùng mỡ hydrococtison.

PGS.TS. Phạm Thị Khánh Vân -

BV Mắt TW

 

 


Ý kiến của bạn