Có thể nói sau hơn 5 năm triển khai việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho những người nghiện ma túy tại nước ta đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình người nghiện ma túy và cho xã hội. Những lợi ích đó là gì? Và kế hoạch mở rộng điều trị trong thời gian tới như thế nào?... TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về vấn đề này.
TS. Phạm Đức Mạnh.
PV: Thưa Tiến sĩ, ông có thể cho biết đến nay chương trình điều trị methadone đã được triển khai như thế nào trong toàn quốc?
TS. Phạm Đức Mạnh: Chương trình điều trị methadone bắt đầu triển khai thí điểm tại 6 cơ sở điều trị của 2 thành phố lớn là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2008. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, đánh giá do Bộ Y tế thực hiện cho thấy chương trình có nhiều hiệu quả và được Chính phủ đánh giá cao.
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/10/2010, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015” tại Quyết định số 5146/QĐ-BYT, chính thức quy định việc triển khai mở rộng chương trình ra các tỉnh/thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, với mục tiêu sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện chích ma túy vào năm 2015. Cũng theo đề án, việc triển khai chương trình methadone được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I (2010-2012) sẽ điều trị cho khoảng 16.500 bệnh nhân tại 13 tỉnh, thành phố; Giai đoạn II (2013-2015) sẽ điều trị cho khoảng 80.000 bệnh nhân tại thêm ít nhất 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, đã có 9 tỉnh của giai đoạn II được Chính phủ cho phép triển khai trong giai đoạn I.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng của chương trình, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đây không chỉ là căn cứ pháp lý quan trọng mà còn là sự thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ trong việc triển khai sâu rộng chương trình methadone trên phạm vi toàn quốc. Theo quy định tại nghị định này, với các quận/huyện có từ 250 người nghiện ma túy trở lên, bắt buộc UBND tỉnh, thành phố phải thiết lập cơ sở điều trị methadone. Theo đó, cả nước ước tính sẽ có khoảng 140.000 - 150.000 người nghiện ma túy cần được điều trị bằng methadone.
Tính đến ngày 31/10/2013, chương trình methadone đã được triển khai tại 74 cơ sở điều trị của 29 tỉnh/thành phố với 14.875 bệnh nhân tham gia điều trị.
PV: Ông có thể cho biết về những tác động của chương trình đã mang lại cho người nghiện chích ma túy, cho gia đình của họ và cho xã hội?
TS. Phạm Đức Mạnh: Chương trình điều trị methadone đã mang lại những hiệu quả rất rõ rệt cho người nghiện chích ma túy, gia đình và cho toàn xã hội. Những hiệu quả này đã được chứng minh tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, bao gồm:
Đối với người nghiện ma túy: Việc tham gia điều trị giúp họ từ bỏ ma túy, giảm dần và tiến tới ngừng sử dụng hoàn toàn chất ma túy; Thay đổi về nhân cách, cải thiện sức khỏe. Họ sống có ý nghĩa hơn, hỗ trợ gia đình nhiều hơn, mong muốn có việc làm và sống cuộc sống giống như những người dân khác trong xã hội. Hầu hết bệnh nhân tham gia điều trị đều tăng cân, sức khỏe ổn định, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C.
Đối với gia đình người nghiện chích ma túy: Không khí trong gia đình hòa thuận, đầm ấm. Kinh tế gia đình cũng dần trở nên ổn định hơn, mâu thuẫn trong gia đình giảm đi rất nhiều…
Đối với xã hội: Tình hình an ninh trật tự ổn định, giảm các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư có người nghiện chích ma túy sinh sống. Khi được điều trị bằng methadone, người bệnh sẽ giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp do đó có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV (lý do lây truyền HIV qua đường tiêm chích ma túy là đường lây truyền HIV chủ yếu tại nước ta). Hơn nữa, bệnh nhân tham gia điều trị methadone sẽ không phải lo kiếm tiền để mua ma túy, từ đó sẽ giảm đáng kể các vụ trộm cắp, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Chương trình điều trị methadone đã mang lại nhiều lợi ích cho người nghiện chích ma túy.
PV: Trong thời gian tới cần có những giải pháp nào có thể mở rộng điều trị chương trình này, thưa ông?
TS. Phạm Đức Mạnh: Để đảm bảo việc triển khai mở rộng và sự bền vững của chương trình, Bộ Y tế đã triển khai thi hành đầy đủ 6 nội dung quy định tại Điều 26 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Trước hết, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nghị định như điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, khung giá dịch vụ điều trị và hướng dẫn chuyên môn về điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone...; Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản pháp luật về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và kế hoạch phát triển, quy hoạch hệ thống cơ sở điều trị.
Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho chương trình, thừa sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã cho phép đợt một 5 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào việc sản xuất và cung ứng thuốc methadone trong nước. Trong 5 doanh nghiệp đó, Bộ Y tế đã cấp visa cho thuốc của 1 doanh nghiệp được phép sản xuất thuốc methadone trong nước.
Mới đây, ngày 30/10/2013, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố đấu thầu mua thuốc methadone trong nước. Theo đó, từ năm 2014 Việt Nam sẽ có thuốc sản xuất trong nước để đáp ứng tình hình mở rộng chương trình trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn thuốc methadone, Bộ Y tế cũng đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện như: đã giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình điều trị methadone cho 5 viện/trường y, bao gồm: Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổ chức các điểm điều trị methadone tại các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, Bộ Y tế hiện vẫn đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về lĩnh vực điều trị thay thế đi hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố; mời các chuyên gia quốc tế này tham gia giảng dạy để cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo và cán bộ trực tiếp làm công tác điều trị tại 5 viện/trường trên đây; Chỉ đạo các chương trình, dự án quốc tế tiếp tục huy động nguồn lực về tài chính để đảm bảo nguồn thuốc methadone cho chương trình methadone trong bối cảnh tài trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)