Hà Nội

Metformin trị đái tháo đường: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng

08-03-2022 14:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Trong trường hợp không có chống chỉ định, metformin là thuốc đầu tay được lựa chọn để điều trị tăng đường huyết ở bệnh đái tháo đường loại 2.

Metformin (một dẫn xuất của biguanide) là một thuốc trị tiểu đường, giúp kiểm soát mức đường huyết sẽ làm giảm các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng an toàn dưới đây là những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý khi sử dụng thuốc.

 1.Tác dụng của metformin

Metformin được chấp thuận như một phương pháp điều trị đái tháo đường ở châu Âu vào những năm 1950. Cho đến năm 1995, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ - FDA chấp thuận sử dụng thuốc ở Mỹ. Kể từ đó, metformin đã trở thành loại thuốc được kê đơn phổ biến cho những người mắc bệnh đái tháo đường.

Metformin chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường loại 2, đặc biệt ở bệnh nhân béo phì. Metformin đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng của bệnh đái tháo đường xuống 30%.

Thuốc đái tháo đường metformin: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng - Ảnh 1.

Đái tháo đường là bệnh mãn tính xảy ngày càng phổ biến.

 Chức năng chính của thuốc là ngăn gan giải phóng quá nhiều glucose (đường) vào máu. Nó cũng giúp tăng phản ứng của cơ thể với insulin, hormone được tạo ra bởi tuyến tụy giúp cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Metformin làm tăng độ nhạy insulin, cho phép glucose di chuyển từ máu đến tế bào. Thuốc thường không gây hạ đường huyết và vì nguyên nhân này mà metformin được coi là loại thuốc chống đái tháo đường hiệu quả.

Metformin có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác, và bệnh nhân cũng nên áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giúp kiểm soát tình trạng của mình.

 2.Những lưu ý giúp sử dụng an toàn metformin

2.1Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất khi dùng thuốc này là: 

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Chuột rút
  • Đầy hơi

 Thông thường, các triệu chứng này thường nhẹ và xuất hiện khi sử dụng liều cao, khi mới bắt đầu dùng metformin hoặc khi tăng liều.

Các tác dụng phụ có thể được giảm bớt bằng cách bắt đầu điều trị với liều thấp và tăng dần liều. Nên dùng metformin cùng hoặc sau bữa ăn để giảm nguy cơ của các tác dụng phụ.

Metformin cũng có thể liên quan đến một tình trạng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng được gọi là nhiễm axit lactic, trong đó cơ thể tích tụ quá nhiều axit lactic. Điều này có thể được gây ra bởi các yếu tố như suy tim, gan hoặc thận.

Thuốc đái tháo đường metformin: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng - Ảnh 4.

Metformin đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Do metformin phần lớn được loại bỏ khỏi cơ thể qua thận, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 bị suy giảm chức năng thận sẽ yêu cầu liều lượng thấp hơn để duy trì mức độ an toàn và ngăn ngừa các tác dụng phụ.

2.2 Một số tình trạng y tế nhất định có thể làm cho việc dùng metformin trở nên rủi ro hoặc thậm chí bị cấm sử dụng, bao gồm:

-Bệnh thận hoặc suy thận: Không dùng metformin cho người bị suy thận nặng, vì thuốc có nguy cơ gây nhiễm axit lactic. Nguy cơ này tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của bệnh thận vì metformin được đào thải qua thận.

- Bệnh gan: Metformin có thể làm giảm sự hấp thu lactate của gan, làm tăng nồng độ lactate trong máu. Không dùng thuốc nếu bị suy gan do tăng nguy cơ nhiễm axit lactic. 

- Tiền sử đau tim, nhiễm trùng nặng hoặc đột quỵ: Tất cả đều làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic.

- Dị ứng hoặc quá mẫn: Không dùng nếu đã biết nhạy cảm với metformin.

- Nhiễm toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính: Không dùng thuốc nếu bị nhiễm toan chuyển hóa, bao gồm cả nhiễm toan ceton do tiểu đường.

- Thời kỳ mang thai: Metformin đã được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, nếu dùng metformin và dự định có thai, nên thảo luận với bác sĩ để có kế hoạch và phương pháp điều trị thích hợp. 

- Thời kỳ cho con bú: Metformin có thể đi vào sữa mẹ và tiềm ẩn nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ bú mẹ.  

 3.Tương tác thuốc cần lưu ý

Metformin có thể tương tác với nhiều loại thuốc, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Cũng có những rủi ro với các xét nghiệm hoặc thủ tục y tế nhất định, vì vậy hãy luôn thông báo cho bác sĩ về việc dùng thuốc. 

3.1 Các tương tác nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng metformin bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu (furosemide): Dùng thuốc này với metformin làm tăng lượng metformin trong máu.
  • Thuốc tim mạch thuộc nhóm chẹn kênh calxi (nifedipine): Thuốc này làm tăng hấp thu metformin.
  • Các loại thuốc ảnh hưởng đến thận như ranolazine, vandetanib, dolutegravir và cimetidine có thể làm tăng tiếp xúc với metformin và tăng nguy cơ nhiễm axit lactic
  • Rượu: uống quá nhiều trong khi dùng metformin có thể làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic.
  • Thuốc cản quangChất cản quang có i ốt, như chất cản quang được sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính (CT), kết hợp với metformin có thể dẫn đến giảm chức năng thận và nhiễm toan lactic. Người bệnh có thể được yêu cầu ngừng dùng thuốc 48 giờ trước khi nhận chất cản quang có i-ốt để làm xét nghiệm chẩn đoán.

Ngoài ra, bất kỳ ai dùng thuốc hoặc chất bổ sung có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao hoặc mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu nên được theo dõi cẩn thận nồng độ trong máu của họ trong khi sử dụng metformin. 

3.2 Thuốc và chất bổ sung có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc mất kiểm soát đường huyết bao gồm:

  • Corticosteroid
  • Thuốc chống loạn thần, như phenothiazines
  • Thuốc tuyến giáp
  • Estrogen
  • Thuốc uống tránh thai
  • Thuốc chống co giật
  • Niacin (B3, axit nicotinic)
  • Isoniazid được sử dụng để điều trị bệnh lao

4.Không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc

Không giống như những người mắc bệnh đái tháo đường loại 1, những người bị đái tháo đường loại 2 vẫn có thể sản xuất insulin nhưng gặp khó khăn vì tế bào không đáp ứng với insulin tốt như trước đây - điều này được gọi là độ nhạy insulin thấp. Insulin cho phép cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng hoặc lưu trữ để sử dụng sau này. Chức năng này giữ cho lượng đường trong máu được cân bằng.

Khi uống quá nhiều rượu, gan phải hoạt động để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể thay vì sản xuất và điều chỉnh glucose, dẫn đến làm giảm khả năng sản xuất và lưu thông đủ glucose. Thêm vào đó, uống rượu quá nhiều ngăn cản tế bào hấp thụ glucose đúng cách, do đó mức glucose trong máu bắt đầu tăng lên, gây căng thẳng cho các cơ quan và dây thần kinh và có thể dẫn đến lượng đường trong máu rất thấp. Lượng đường trong máu thấp làm tăng nguy cơ mắc nhiễm axit lactic.

Dù có bị đái tháo đường hay không thì việc uống rượu bia lâu dài cũng có thể làm tổn thương gan, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan...

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Bắt giữ hàng ngàn bộ kit test, thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu.

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn