BS. Denice S. Feig, Bệnh viện Mount Sinai, Toronto, Ontario, Canada cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 502 phụ nữ từ 29 nơi ở Canada và Australia mắc bệnh đái tháo đường týp 2 trước khi mang thai hoặc được chẩn đoán khi mang thai. Những phụ nữ này được sử dụng ngẫu nhiên metformin 1 g x 2 lần/ngày hoặc giả dược, ngoài chế độ insulin thông thường của họ, ở tuổi thai từ 6 đến 28 tuần.
Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường tuýp 2 nhận được một số lợi ích từ việc sử dụng metformin.
Kết quả, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị. Tuy nhiên, phụ nữ trong nhóm dùng metformin có mức tăng cân tổng thể trong thai kỳ ít hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược, ở mức –1,8 kg. Họ cũng có mức A1c trong thai kỳ cuối cùng thấp hơn đáng kể, ở mức 41 mmol/mol (5,9%) so với 43,2 mmol/mol (6,1%) ở những người dùng giả dược và cần ít liều insulin hơn, ở mức 1,1 so với 1,5 đơn vị/kg/ngày, tức là giảm gần 44 đơn vị/ngày.
Ngoài ra, phụ nữ dùng metformin cũng ít có khả năng phải sinh mổ hơn, ở mức 53,4% so với 62,7% ở nhóm dùng giả dược, mặc dù không có sự khác biệt giữa các nhóm về tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật.
Đối với thai nhi, trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh ở phụ nữ dùng metformin thấp hơn so với những phụ nữ dùng giả dược, ở mức 3,2 kg so với 3,4 kg. Phụ nữ dùng metformin cũng ít có khả năng sinh con với cân nặng sơ sinh từ 4 kg trở lên, ở mức 12,1% so với 19,2%, và một đứa trẻ rất lớn so với tuổi thai, ở mức 8,6% so với 14,8%. Tuy nhiên, metformin cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhẹ cân so với tuổi thai, ở mức 12,9% so với 6,6% khi dùng giả dược.
Tóm lại, BS.Feig sẽ sử dụng metformin cho hầu hết phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường týp 2, ngoại trừ những người có thể có các yếu tố nguy cơ gây nhẹ cân ở thai nhi, ví dụ như phụ nữ có thai kém phát triển trong tử cung, hút thuốc và bệnh thận nặng, hoặc có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn.