Mệt nhoài vì gameshow

06-06-2008 10:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

Có người nói ngoa rằng “cơn bão” gameshow đang tấn công truyền hình Việt Nam, nhưng ngẫm lại thấy đúng, bởi sự đậm đặc của các gameshow bao giờ cũng kéo theo hàng chục phút quảng cáo tra tấn khán giả. Và, trớ trêu thay quảng cáo mới là mục đích cuối cùng các trò chơi.

Vương Tâm

Có người nói ngoa rằng “cơn bão” gameshow đang tấn công truyền hình Việt Nam, nhưng ngẫm lại thấy đúng, bởi sự đậm đặc của các gameshow bao giờ cũng kéo theo hàng chục phút quảng cáo tra tấn khán giả. Và, trớ trêu thay quảng cáo mới là mục đích cuối cùng các trò chơi.

 Chương trình Ô cửa bí mật.
Điều oái ăm nhất là hầu hết các trò chơi truyền hình đều được phát sóng vào các giờ vàng. Có thể nói không ngày nào không có một trò chơi; không ở kênh này thì kênh khác. Nếu kể gọn trong ngày chủ nhật ở TP. HCM chẳng hạn, ngoài 4 trò của VTV3, còn có trò chơi ở các kênh HTV7 và HTV9, cả thảy tới 12 trò chơi trong một ngày; nhẩm tính trong một tuần khán giả TP. HCM và các tỉnh phía Nam phải “chịu trận” tới 42 trò chơi. Lẽ dĩ nhiên, thời nay với công nghệ hiện đại khán giả khắp nước đều được xem tất cả các kênh nên cũng không loại trừ họ phải chịu chung sự “khủng bố” của hàng chục các gameshow khác nhau. Khán giả truyền hình Hà Nội, cũng vậy thôi, càng phải hứng chịu mọi phiền toái do các gameshow bùng nổ.

Về cơ bản có một số trò chơi rất bổ ích đem lại nhiều cảm hứng hấp dẫn, phát huy được bản lĩnh của người tham gia trò chơi và kích thích sự sáng tạo ngay đối với khán giả trong từng gia đình như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú? Chúng tôi là chiến sĩ, Ô cửa bí mật, Trò chơi âm nhạc, Rung chuông vàng, Vượt qua thử thách, Đuổi hình bắt chữ, Hành trình văn hóa,… Trên thực tế những trò chơi này cũng là một dịp tích lũy và củng cố kiến thức và kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống. Do vậy có những trò chơi đã kéo khá dài tới 8 năm nay nhưng vẫn hấp dẫn khán giả như Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu. Bắt đầu từ năm 2005 được coi là thời điểm bùng nổ gameshow. Từ đó đến nay hàng chục trò chơi xuất hiện trên các giờ vàng trong ngày, đến nỗi người xem truyền hình có cảm giác, mỗi lần bật TV, đều giật mình mỗi khi gặp một trò chơi mới.

Ai cũng biết các trò chơi truyền hình của ta đều “photo” hợp pháp các bản quyền nước ngoài nên đều có kết cấu hấp dẫn lôi cuốn người xem nhất là lớp khán giả trẻ. Hơn nữa, các gameshow đều được hình thành từ cặp đôi hợp tác về lợi ích doanh thu, công ty nào đó mua được bản quyền trò chơi, ngay lập tức họ mua giờ phát sóng của đài truyền hình. Điều áp chót là gì? Đó là sự ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận các lượng hàng quảng cáo do sự thu hút của trò chơi nhiều hay ít. Và, ngược lại nếu sự tồn tại của trò chơi không bền thì đôi bên phải chia tay và đi tìm cuộc chơi mới. Có thể nói, hiện nhiều cuộc chơi đã thể hiện ngón nghề khá cao tay, tuy ngắn ngủi như trò chơi Vietnam Idol chẳng hạn. Ban đầu ai cũng ngỡ trò chơi này được tổ chức tìm kiếm một giọng ca mới, nhưng thật sự mục đích của các công ty liên đới mua được bản quyền Idol, tổ chức chỉ nhằm quảng bá cho các hạng mục hàng tiêu dùng mà thôi. Còn nhà đài “sướng” vì bán được sóng cùng hưởng lợi từ các cú bắt tay “OK” về quảng cáo và nhắn tin. Bên cạnh đó các đơn vị viễn thông cũng hưng phấn với hàng vạn tin nhắn và hàng nghìn cú phôn bình chọn. Trong khi đó khán giả cứ háo hức, rồi thất vọng với các giọng ca. Họ đâu biết trò chơi Idol chưa bao giờ được xem là một giải thưởng hay một danh hiệu âm nhạc chính thống trên bất cứ nơi nào trên thế gian này.

Và nữa, nhiều trò chơi dần dần xem ra đã nhạt và cũng kèm theo nhiều điều bất cập. Như chuyện MC chẳng hạn, lấy đâu mà lắm MC thế. Làm như bất kể ai có hình thức, nhanh nhẹn và hoạt ngôn một chút là có thể trở thành MC. Có thể nói ở ta thực sự chưa có những MC nhà nghề mà đều tay ngang chuyển sang. Những người có biệt tài dẫn chương trình như Lại Văn Sâm, Thanh Bạch, Tạ Bích Loan, Long Vũ, Thành Lộc... quả là hiếm. Số còn lại dường như họ chỉ có nói to, nhưng lại rườm rà và khô cứng. Với tốc độ gameshow phát triển ngày càng phong phú và nhiều lĩnh vực như hiện nay đòi hỏi khả năng dẫn dắt và ứng xử của các MC rất cao mới giữ được người xem. Vừa qua, nhiều trò chơi trông cậy vào các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng xem ra chỉ có đôi người thực tài trong một số chương trình. Số còn lại chỉ kéo được khán giả đã từng ái mộ mình qua các vai diễn một thời gian mà thôi, họ cố diễn cho ra vẻ một MC thôi chứ khó bén duyên vào vai trò “rất đời” này. Không ít diễn viên, ca sĩ đã để lộ nhiều điều hẫng hụt cho người xem về những kiến thức tuy rất phổ thông. Ấy là chưa nói chuyện nhiều khi người xem đã phải thấy “trối” vì những đáp án thiếu thuyết phục hoặc còn thiếu sót của ban tổ chức.

Hình ảnh các gameshow tấn công truyền hình quả là lý thú. Dường như chúng biểu hiện sự kết hợp với ngón nghề kinh doanh rất rõ ràng. Thời buổi này ta có thể xem đó là chuyện tất yếu. Chúng có sức thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia trò chơi, tài trợ, quảng cáo. Hiện có nhiều công ty quảng cáo truyền thông hợp tác với các nhà đài thực hiện các trò chơi truyền hình, thậm chí có một số công ty nắm bản quyền từ ba đến bảy trò chơi. Nhưng điều quan trọng ở người xem là sự kén chọn nên các nhà đầu tư gameshow cần phải cạnh tranh hơn nữa trong quá trình thực hiện có sáng tạo từ các Format nước ngoài. Đặc biệt các nhà đầu tư nên tìm giải pháp sáng tác các trò chơi gốc Việt trong nhiều trò chơi dân gian truyền thống để người xem thấy gần gũi và có thể tham gia trò chơi một cách hứng thú hơn, tránh có một số trò chơi hiện nay vẫn mang hình ảnh của sự may rủi về bản chất tiếp cận với trò chơi đỏ đen mà thôi.


Ý kiến của bạn