Mệt mỏi mạn tính do đâu?

03-05-2015 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có rất nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi chẳng hạn: bệnh về máu, bệnh tim, bệnh gan mật, tuyến giáp, những bệnh liên quan tới sốt và viêm nhiễm, bệnh về khớp, tress..

Em năm nay 24 tuổi, lâu nay cơ thể em mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Một thời gian đỡ sau đó bị lại, chân tay run, nhịp tim đập nhanh, hay hồi hộp. Em đi khám kết quả xét nghiệm máu có: hồng cầu: 5.84T/L; huyết sắc tố 169g/l; hematocrit 0.51l/l; và các chỉ số bilirubin toàn phần và trực tiếp tăng. Vậy em có thể bị bệnh gì. Em có hút thuốc lá ở mức bình thường, không nghiện.

Phạm Văn Trung  (Đại học Xây dựng)

Có rất nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi chẳng hạn: bệnh về máu, bệnh tim, bệnh gan mật, tuyến giáp, những bệnh liên quan tới sốt và viêm nhiễm, bệnh về khớp, tress... Ở tuổi của bạn đang đầy nhiệt huyết và sung sức, nếu mệt mỏi như thế sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập. Với kết quả xét nghiệm máu trong thư bạn viết thì bạn không bị thiếu máu. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân gây mệt mỏi thì tuổi sinh viên hay gặp là do căng thẳng, stress. Stress là một yếu tố gây nên mệt mỏi. Có một loại hormon căng thẳng hay còn gọi là hormon cortisol thường tăng nhanh vào ban ngày và suy giảm vào ban đêm. Tuy nhiên, khi bạn quá căng thẳng, hormon này thậm chí không giảm mà còn khiến bạn mất ngủ, từ đó dẫn tới mệt mỏi. Vì quá mệt mỏi, suy nhược nên chân tay run, tim đập nhanh, hay hồi hộp... Trước hết, bạn cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt học tập sao cho khoa học, cần ngủ đủ ngày 6 - 8 giờ, không thức khuya quá sẽ gây đảo lộn giờ sinh học dẫn tới mất ngủ, mất ngủ trường diễn sẽ dẫn tới cơ thể yếu mệt (đây là một vòng xoắn luẩn quẩn nếu mỗi chúng ta không biết tháo gỡ); dành thời gian tập luyện thường xuyên những môn tập mà mình yêu thích để co bắp khỏe mạnh nhưng nhớ là không nên quá sức; thực hiện chế độ ăn hợp lý; không hút thuốc lá, không dùng bia rượu. Nếu không cải thiện sức khỏe bạn nên đi khám ở chuyên khoa nội tổng hợp của một bệnh viện đa khoa gần trường bạn như Bệnh viện Bạch Mai, có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân vì bạn còn có kết quả xét nghiệm rubilirubin toàn phần và trực tiếp tăng (thường gặp trong bệnh gan mật hoặc bệnh huyết tán) từ đó bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc thích hợp bạn ạ.

BS. Vũ Hồng Ngọc

 

 

 


Ý kiến của bạn