Mệt mỏi do COVID-19: Ứng phó thế nào?

29-10-2021 06:10 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mệt mỏi là triệu chứng không chỉ khi bị nhiễm COVID-19 mà còn là tình trạng kéo dài sau khi đã khỏi bệnh. Vậy ứng phó thế nào?

Mệt mỏi là một phần phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại virus. Tình trạng mệt mỏi có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian sau khi nhiễm trùng đã khỏi. Nó có thể khiến bạn ngủ nhiều hơn, cảm thấy đứng không vững, khó đứng trong thời gian dài cũng như ảnh hưởng đến khả năng tập trung và trí nhớ của bạn.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng COVID-19 mà mệt mỏi có thể kéo dài từ 2-3 tuần. Tuy nhiên, đối với một số người bị nhiễm trùng nặng, cảm giác mệt mỏi và đau giống như "sương mù não" có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.

photo-1635411849763

Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp ở người nhiễm COVID-19.

1. Những triệu chứng mệt mỏi do COVID-19

Khi cơ thể đang chống chọi với SARS-CoV-2, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và khó tập trung. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng mệt mỏi có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi mãn tính hoặc buồn ngủ.
  • Nhức đầu.
  • Chóng mặt.
  • Đau hoặc yếu cơ.
  • Phản xạ/phản ứng chậm.
  • Kỹ năng ra quyết định kém.
  • Tính khí thất thường và cáu kỉnh.
  • Phối hợp tay - mắt kém.
  • Ăn mất ngon.
  • Giảm chức năng hệ thống miễn dịch.
  • Kém tập trung.
  • Động lực thấp.
  • Ảo giác...

2. Tình trạng 'COVID kéo dài'

Có tới 30% những người bị nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã tiếp tục phát triển các triệu chứng COVID kéo dài vài tuần hoặc nhiều tháng sau khi virus đã được loại bỏ khỏi cơ thể. Các bác sĩ gọi tình trạng này là COVID-19 kéo dài.

Nhiều người đối mặt với tình trạng mệt mỏi mãn tính liên tục, hoặc mệt mỏi sau nhiễm virus. Các triệu chứng có thể bao gồm "sương mù não" và đau. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, khoảng 7% những người bị COVID-19 từ nhẹ đến nặng có thể có các triệu chứng kéo dài này.

Một nghiên cứu đã xem xét 143 người bị COVID-19 nghiêm trọng cho thấy rằng, 87% những người tham gia vẫn còn cảm giác mệt mỏi liên tục 2 tháng sau khi họ nhập viện ban đầu. Trong những trường hợp nhẹ hơn, tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài 2-3 tuần kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

3. Làm gì để quản lý mệt mỏi do COVID?

photo-1635411851830

Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

Mệt mỏi có thể làm tiêu hao năng lượng và khiến bạn cảm thấy kiệt sức, kiệt quệ về mặt cảm xúc và hoài nghi về thế giới xung quanh.

Để kiểm soát sức khỏe và giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi khi bị ốm hoặc sau COVID-19, bạn nên:

- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể: Nghỉ ngơi là rất quan trọng đối với cơ thể vì nó giúp chống lại nhiễm trùng. Bạn cần cho cả cơ thể và tâm trí nghỉ ngơi. Sử dụng tivi, điện thoại và mạng xã hội ở mức tối thiểu. Thư giãn, hít thở và thiền định đều có thể hỗ trợ việc nghỉ ngơi chất lượng.

- Ngủ đủ giấc: Bạn có thể thấy rằng mình cần ngủ nhiều hơn. Đảm bảo rằng bạn tuân thủ các thói quen ngủ lành mạnh: Đảm bảo phòng ngủ tối nhất có thể; tránh các thói quen làm ảnh hưởng tới giấc ngủ như: không uống trà, cà phê trước khi đi ngủ, tránh ăn khuya và sử dụng đồ điện tử trước khi đi ngủ.

- Đảm bảo đủ dinh dưỡng: Cố gắng giữ thói quen ăn uống bình thường và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tăng cường ăn hoa quả và rau xanh cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đảm bảo uống đủ nước.

- Cố gắng duy trì hoạt động: Nhiễm virus có thể làm mất năng lượng của bạn, nhưng vận động và tập thể dục nhẹ nhàng có thể tiếp thêm sinh lực cho bạn.

COVID-19 ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau, vì vậy hãy cho bản thân thời gian để phục hồi.

4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu bạn đã bị COVID-19 và bạn nhận thấy các triệu chứng mệt mỏi của mình kéo dài hơn 2 đến 3 tuần, tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Sự mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, các mối quan hệ hoặc hoạt động hàng ngày.
  • Đang trải qua các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
  • Mất động lực.
  • Các triệu chứng không thay đổi sau 4 tuần.
  • Bạn đang lo lắng hoặc có các triệu chứng mới khác.

Mời độc giả xem thêm video:

Vaccine Pfizer ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi: Những điều cần biết.



Xuân Nguyên
(Theo Webmd)
Ý kiến của bạn