Mers CoV gây tử vong cao hơn SARS

23-05-2014 14:56 | Thời sự
google news

SKĐS - .Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO,) tới nay đã có 537 trường hợp nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS CoV), tại 19 quốc gia trong đó có 145 tử vong.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO,) tới nay đã có 537 trường hợp nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV), tại 19 quốc gia trong đó có 145 tử vong. Mặc dù, tới thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) nhưng thực tế diễn biến của dịch bệnh do loại virus mới này gây ra tại nhiều nước khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ths.BSCK II Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

PV: Xin bác sỹ cho biết hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) hay còn gọi là virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực ở Trung Đông là loại virus như thế nào?và độc lực của nó có gì khác so với coronavirus gây ra dịch SARS năm 2003?

Ths.BSCKII. Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam

Ths.BSCKII. Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam

Ths.BS Nguyễn Hồng Hà: Cuối năm 2012 người ta thấy có 1 số bệnh nhân bị nhiễm bệnh với hội chứng hô hấp nặng và có những ca tử vong và khi người ta phân lập được thì đây là 1 chủng coronavirus mới hoàn toàn cùng họ với virus gây ra dịch SARS năm 2003. Nguồn bệnh lúc đầu có thể từ các loài dơi hang dã rồi truyền cho lạc đà và con người tiếp xúc gần với lạc đà hoặc các chất tiết của lạc đà và bị nhiễm virus này. Kết quả xét nghiệm các mẫu lạc đà thì thấy nồng độ kháng thể cao. Vì thế người ta thấy lạc đà là một vật trung gian có vai trò truyền bệnh…Tuy nhiên, để chắc chắn đường lây như thế nào thì vẫn đang được nghiên cứu. Nhưng ngoài 6 nước mà dân cư sống ở đấy mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS- CoV) thì thấy rất nhiều trường hợp ở các nước khác du lịch đến vùng nàybị nhiễm bệnh. Đây là một cảnh báo về yếu tố phơi nhiễm với virus này khi đến Trung Đông. Và, vì virus này xuất hiện ở Trung Đông nên người ta lấy cái tên Middle East Respiratory Syndrome đặt tên cho nó..

Về độc lực của MERS CoV so với Sars, xét về bệnh cảnh lâm sàng nó tương tự coronavirrus SARS nhưng tỉ lệ tử vong thì cao hơn, khoảng 30% tương đương với virus cúm H7N9, trong khi đó SARS thì tỉ lệ tử vong khoảng 10%. Nhưng SARS nguy hiểm hơn vì mức độ lây truyền từ người sang người rất dễ dàng. Còn MERS - CoV thì mức độ lây truyền nó chưa dữ dội nhưng có yếu tố lây từ người sang người đây là một trong những điều đáng e ngại.

PV: Khi bị nhiễm loại virus này, người bệnh có biểu hiện như thế nào và diễn tiến của bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

Th.BS. Nguyễn Hồng Hà: Đây là một loại bệnh mới nổi, bệnh do virus hoàn toàn mới gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biểu hiện lâm sàng thì giống như hội chứng SARS tức là người bệnh sốt cao, đau ngực, khó thở, ho và dẫn đến tổn thương phổi, suy hô hấp và nhiều trường hợp phải hỗ trợ hô hấp. Điều trị thì hiện nay chủ yếu là hỗ trợ hô hấp và bệnh tự nó diễn biến là chính, không thể can thiệp gì đặc hiệu được. Với một bệnh đường hô hấp mà tỉ lệ tử vong đến gần 30%, nếu tiến triển thành đại dịch, lây truyền dễ dàng từ người sang người thì sẽ là một bệnh vô cùng nguy hiểm, nó sẽ dẫn đến tác động rất lớn và số ca tử vong rất cao. Tôi nghĩ đây là giai đoạn virus đang thích nghi dần với người và đang “thăm dò”. Nếu nó dễ lây truyền thì dịch bệnh sẽ rất phức tạp.

Theo dõi nhiệt độ khách XNC qua cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt

Theo dõi nhiệt độ khách XNC qua cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt

PV: Hiện nay các phòng thí nghiệm ở nước ta đã có khả năng phát hiện và phân lập virus này hay chưa, thưa bác sĩ?

Ths.BS. Nguyễn Hồng Hà: Về xét nghiệm thì chúng ta đã được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các phòng thí nghiệm trên thế giới và chúng ta đã được cung cấp cho các “mồi” nhử để xác định virus tại các phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. Nếu như không có “mồi” thì chúng ta có thể làm kỹ thuật giải trình gen toàn bộ của virus để đối chiếu, so sánh để biết đó là loại virus nào. Đây là kỹ thuật mà Việt Nam đã thực hiện được và giúp cho chúng ta có thể chẩn đoán được các căn nguyên mới hoàn toàn. Đây là điểm thuận lợi trong việc phòng chống dịch bệnh.

Mặt khác, khi dịch bệnh xảy ra chúng ta đã có những đáp ứng, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Ban phòng chống dịch quốc gia cũng nhận thấy bệnh này có nguy cơ đe dọa rất cao và có khả năng xảy ra dịch. Đặc biệt là trong vài tháng gần đây số ca bệnh được báo cáo cho thấy bệnh có thể lan truyền và nguy cơ thành dịch rất cao, ngày 20/5, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về phòng chống lây nhiễm căn bệnh này. Mặc dù, hiện nay mức độ cảnh báo dịch ở nước ta chưa phải là mạnh mẽ, nhưng việc khuyến cáo với cộng đồng, đặc biệt là những người đi du lịch đến vùng có dịch là hết sức cần thiết. Khách du lịch đến vùng có dịch cần phải luôn luôn cảnh giác trong khâu tiếp xúc, ăn uống và luôn luôn theo dõi sức khỏe của mình. Khi về nước hay nhập cảnh phải thông báo cho các cơ sở y tế biết để có biện pháp theo dõi, đặc biệt khi có sốt và có biểu hiện đường hô hấp. Vì đây là hai triệu chứng rất quan trọng mà người bệnh phải thông báo sớm để các thầy thuốc phát hiện được sớm và lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm, tránh bỏ sót để khẳng định căn nguyên và có biện pháp cách ly nghiêm ngặt, không thể chủ quan.

Xin trân trọng cảm ơn Bác sỹ!

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn