Thời điểm giao mùa nắng mưa thất thường cùng sự thay đổi về nhiệt độ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Đối tượng người già và trẻ nhỏ, người miễn dịch kém rất có nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp, dị ứng, tiêu hóa…. Người cao tuổi cần làm gì để tăng sức đề kháng khi giao mùa?
BS Nguyễn Ngọc Định thông tin về các phương pháp giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng khi giao mùa.
Ngủ đủ giấc
Mỗi ngày người cao tuổi nên ngủ từ 6-8 tiếng để tăng sức đề kháng. Việc ngủ đủ giấc không chỉ giúp phòng tránh nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Tim mạch, đái tháo đường, thừa cân, béo phì… Hơn nữa, thời gian ngủ là lúc để cơ thể tái tạo năng lượng và tiết ra các hormone cần thiết.
Nếu việc thiếu ngủ diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, gây thừa cân, béo phì… Đồng thời việc mất ngủ cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động não bộ khiến người cao tuổi mất tập trung, dễ nóng nảy, uể oải, mất năng lượng…
Đảm bảo dinh dưỡng giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng
Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là cách để người cao tuổi tăng sức đề kháng và củng cố hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại. Cách tốt nhất để đảm bảo dinh dưỡng là thông quan chế độ ăn uống hàng ngày. Người cao tuổi cần đảm bảo ăn uống đa dạng và đầy đủ các nhóm chất, tăng cường trái cây hoa quả rau củ cũng như tăng cường các loại khoáng chất, vitamin. Người cao tuổi cũng nên lựa chọn chế độ ăn giảm muối, giảm đường và lưu ý uống đủ nước mỗi ngày.
Duy trì tập luyện
Luyện tập thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch cũng như sức khỏe cơ thể nói chung.
Người cao tuổi nên tập luyện thể dục thể thao trung bình 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải. Một số môn được gợi ý là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi lội… Việc tập luyện thể dục thể thao quá sức sẽ gây phản tác dụng đối với cơ thể.
Tránh xa căng thẳng, stress
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, người cao tuổi cần hạn chế căng thẳng và cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Người cao tuổi thường gặp vấn về về giấc ngủ dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress. Do vậy, người cao tuổi không nên thức khuya, nên ngủ sớm và dậy sớm. Việc căng thẳng, stress trong cuộc sống hàng ngày, công việc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức đề kháng.
Ngoài ra việc duy trì lối sống lành mạnh tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích cũng là cách giúp cơ thể người cao tuổi khỏe mạnh hơn.
Thời điểm giao mùa cũng là lúc các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh lý hô hấp… có điều kiện để phát triển. Người cao tuổi nên hạn chế đến những nơi tập trung đông người. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Xem thêm video được quan tâm:
Các biện pháp tăng sức đề kháng và giữ sức khỏe lúc giao mùa