Hà Nội

“Mẹo” sinh con khỏe sau tuổi 35

26-06-2016 14:21 | Đời sống
google news

SKĐS - Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu suy giảm khi bước vào độ tuổi 32-37 và càng giảm nhanh hơn sau tuổi 37.

Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu suy giảm khi bước vào độ tuổi 32-37 và càng giảm nhanh hơn sau tuổi 37. Không những càng lớn tuổi càng khó thụ thai mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Bài viết sau đây sẽ đề cập tới những nguy cơ cũng như các hướng dẫn để phụ nữ có thể sinh con khỏe mạnh khi đã sau tuổi 35.

Mỗi phụ nữ khi được sinh ra đều mang một số lượng trứng nhất định. Theo tuổi tác, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm, đặc biệt trong thập niên thứ ba của cuộc đời.Thêm vào đó, các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung có thể gây cản trở quá trình thụ thai và ảnh hưởng ngày càng nhiều hơn khi tuổi càng cao.

Kiểm tra dị tật bẩm sinh như chọc dò ối thường được áp dụng cho phụ nữ mang thai lớn tuổi.

Nguy cơ

Mang thai sau tuổi 35 có thể tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ cho cả mẹ và bé, bao gồm tăng huyết áp hoặc đái tháo đường (bao gồm cả đái tháo đường thai kỳ). Đây là những ảnh hưởng không tốt trong suốt quá trình mang thai.

Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ phát triển bất thường của nhau thai và bào thai.

Đái tháo đường thai kỳ (đái tháo đường trong thời gian mang thai) làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, tăng huyết áp và sẩy thai. Đái tháo đường cũng làm tăng cân nặng của trẻ, từ đó có thể gây khó khăn khi chuyển dạ.

Bên cạnh sự ảnh hưởng lên sức khỏe của bé, tăng huyết áp và đái tháo đường còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của mẹ như tăng nguy cơ mắc bệnh về tim và nhồi máu cơ tim.

Phụ nữ lớn tuổi đối diện với nguy cơ sinh con khiếm khuyết với các bất thường nhiễm sắc thể, ví dụ như hội chứng Down.

Biến chứng thai kỳ

Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ sau đây: đa thai, sinh non, sinh con nhẹ cân, mổ lấy thai, sẩy thai hoặc thai lưu.

Trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân dễ mắc các bệnh cấp tính hay mạn tính, bao gồm hội chứng suy hô hấp, nhiễm khuẩn và chậm phát triển.

Chế độ ăn giàu acid folic giúp sinh con khỏe sau tuổi 35.

Một số mẹo nhỏ giúp sinh con khỏe mạnh sau tuổi 35

Phụ nữ sau tuổi 35 cần thực hiện các bước sau để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh:

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thăm khám thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Các vấn đề quan trọng nên tham khảo ý kiến bác sĩ bao gồm chế độ ăn, tập thể dục và cân nặng. Bên cạnh sự quan trọng của chế độ ăn khỏe mạnh cho người mẹ, việc tập luyện thể dục và tăng cân đúng chuẩn cũng đóng vai trò không kém trong suốt giai đoạn mang thai, đặc biệt với phụ nữ đã lớn tuổi.

Trước khi mang thai, phụ nữ nên bổ sung 400mcg acid folic mỗi ngày trong vòng 1 tháng trước khi có thai và trong suốt thời kỳ mang thai. Acid folic giúp giảm dị tật ống thần kinh cho trẻ.

Nên ngừng hút thuốc, uống rượu bia hoặc dùng các thuốc kích thích. Tránh tiếp xúc với môi trường chứa các chất độc hại để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Thêm vào đó, phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Cũng như tất cả các phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai sau tuổi 35 nên kiểm tra gen để xác định các dị tật bẩm sinh. Điều này rất quan trọng vì nguy cơ rối loạn các chức năng ở trẻ tăng cao khi tuổi mang thai của người mẹ càng cao.

Các kiểm tra giúp dự báo khả năng dị tật bẩm sinh

Siêu âm: giúp kiểm tra tình trạng thai nhi.

Chọc dò ối: một cây kim được sử dụng để chọc hút lấy nước ối từ túi bao quanh thai nhi.

Lấy mẫu gai nhau thai: sinh thiết tế bào nhau thai để xét nghiệm.

Nếu bạn đang mong muốn có con hoặc đang mang thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá tình trạng của bạn.


BS. Huỳnh Thị Ngọc Ngân
Ý kiến của bạn