Mênh mang nỗi buồn chợ nổi

24-11-2017 10:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Do đặc thù địa hình, Tây Nam Bộ được mệnh danh là xứ sở của sông nước. Đời sống bà con nơi đây gắn liền với những dòng sông.

Cũng từ đây, hệ thống chợ nổi được hình thành khắp Nam Bộ đã tạo nét riêng không lẫn vào đâu được của vùng đất Chín rồng này. Từ Sài Gòn xuôi về Đất Mũi, chúng ta sẽ gặp chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Gành Hào, chợ nổi Thới Bình trên sông Trẹm (Cà Mau)... Nhưng hiện nay, phần nhiều trong số những chợ nổi còn đang hoạt động chỉ là những cái xác vô hồn.

Tự hào văn hóa chợ nổi một thời

Vào những dịp đặc biệt như lễ tết, quan sát từ trên cao, chợ nổi miền Tây giống như những vườn thượng uyển với đủ các màu đỏ, vàng, tím, xanh... Những thiếu nữ miền Tây điều khiển tắc ráng chở đầy hoa từ những con rạch nhỏ đi ra tập trung nơi chợ nổi, không chỉ chào bán các loại hoa trái cây nhà lá vườn, mà nụ cười đằm thắm của họ cũng tạo nên nét thiện cảm chân tình nơi khách lãng du. Những chậu hồng, cúc, vạn thọ như nét chấm phá đơn giản nhưng hiệu quả cho bức tranh chợ trên sông. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) là ngôi chợ nổi xưa nhất nhì xứ sở này. Không rõ có sự phân chia rạch ròi nào hay không, nhưng nếu như Cái Răng họp từ sáng đến trưa thì chợ nổi Cái Bè lại họp từ khuya đến tờ mờ sáng là vắng bóng người mua kẻ bán.

Hiện nay, một trong những khó khăn có thể nhìn bằng mắt là hầu hết các bè nổi ở chợ nổi như Cái Răng đều đã xuống cấp và cũ nát.

Hiện nay, một trong những khó khăn có thể nhìn bằng mắt là hầu hết các bè nổi ở chợ nổi như Cái Răng đều đã xuống cấp và cũ nát.

Ngoài cảnh ghe thuyền tấp nập, chợ nổi Cái Bè còn thu hút du khách bởi bức tranh thủy mặc của một đô thị bình yên với những khu vườn nối tiếp vườn, những dãy phố cũ kỹ nằm dọc theo triền sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và những rặng bần - còn được gọi là thủy liễu, như tô thêm nét duyên lặng lẽ cho khúc sông thơ mộng nơi ngôi chợ thương hồ tọa lạc.

Cổ xưa không kém là chợ nổi Phụng Hiệp (được hình thành từ năm 1915). Phụng Hiệp trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Với hệ thống hàng trăm chợ nổi đang tồn tại ở Đồng Bằng sông Cửu Long thì Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo và lớn nhất. Chợ Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ. Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy, ra tận đất Bắc, vượt biên giới đến với bạn bè năm châu.

Nhắc đến văn hóa chợ nổi miền Tây thì không thể quên chợ nổi Cái Răng - cách thành phố Cần Thơ chỉ vài cây số. Đến đây, ngoài việc được tận mắt mục sở thị đời sống thương hồ, du khách còn được thưởng thức khá nhiều đặc sản, từ ly cà phê sáng thơm tho mùi sương sớm, tô bún riêu chan chứa vị đồng bằng, hay những loại bánh dân gian được các chị, các mẹ chuẩn bị sẵn trên những chiếc ghe tam bản tỏa khắp chợ để phục vụ du khách. Sản phẩm chủ lực của chợ này được tập trung từ những tỉnh lân cận, cũng là các loại nông sản đặc trưng.

Chợ nổi cần nhanh chóng bắt tay với du lịch?

Chợ nổi miền Tây luôn nhộn nhịp và sinh động là thế, nhưng gần đây, với sự quan sát tổng thể và sâu sắc, báo chí quốc tế nhận định, chợ nổi Cái Răng như một nét văn hóa hút khách du lịch nhưng đang phải vật lộn để tồn tại trong nền kinh tế hiện đại. Theo thống kê của cơ quan du lịch địa phương, chợ chỉ còn khoảng 300 con thuyền, giảm 550 chiếc so với năm 2005. Không chỉ Cái Răng, chợ nổi miền Tây nói chung đã trở thành nạn nhân của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thập kỷ qua.

Hiện nay, có khoảng chục chợ nổi còn tồn tại ở miền Tây tương tự như chợ nổi Cái Răng. Nhiều chợ trong số này cũng đang dần thu hẹp quy mô. Chợ nổi Cái Răng vẫn hoạt động như một chợ sỉ trên sông. Những nhà buôn thức dậy trước bình minh để giao dịch dưa hấu, khoai mì, củ cải... Họ giới thiệu mặt hàng mình bán trên thuyền bằng cách treo chúng lên một chiếc sào tre cắm trên thuyền.

Từng có một nhóm sinh viên Cần Thơ đã sống cùng cư dân chợ nổi Cái Răng suốt một tháng để đem những nguyện vọng của người dân gửi đến chính quyền, nhằm bảo tồn địa điểm du lịch nổi tiếng này. Hoạt động ý nghĩa của nhóm sinh viên nằm trong dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào bảo tồn chợ nổi Cái Răng” (Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ). Dự án do Trần Long Vi, sinh viên năm cuối ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ, viết và đoạt được giải thưởng trong chương trình Người khởi xướng - Phát triển các sáng kiến thanh niên do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức và tài trợ.

Với những trăn trở đầy tính nhân văn, dự án của Vi tập trung vào vai trò của cư dân trên chợ nổi trong việc bảo tồn; tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh như nước sạch, vệ sinh môi trường... Những câu chuyện của cư dân chợ nổi được thể hiện bằng hình ảnh sinh động trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân.

Theo ghi nhận, một trong những khó khăn có thể nhìn bằng mắt là hầu hết các bè nổi ở chợ nổi như Cái Răng đều đã xuống cấp và cũ nát. Brenna Mckee - sinh viên người Mỹ từng có thời gian làm nghiên cứu tại Cần Thơ - cho rằng: “Sẽ rất tuyệt vời nếu ở chợ nổi Cái Răng người dân sinh sống trên bè được hỗ trợ đóng mới nhà cho sạch sẽ và thu hút khách du lịch đến ở homestay”. Có lẽ đây là một gợi ý rất hay trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Đúng như một chuyên gia từng nói: “Nếu không có du lịch thì chợ nổi sẽ biến mất”.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn