Mênh mang hồ Ba Bể

16-08-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Khi dòng người đang hối hả xuôi vào những bãi biển để nghỉ dưỡng và tránh nóng thì chúng tôi lại “ngược dòng” lên Bắc Kạn để hòa mình vào không gian thiên nhiên của hồ Ba Bể.

Khi dòng người đang hối hả xuôi vào những bãi biển để nghỉ dưỡng và tránh nóng thì chúng tôi lại “ngược dòng” lên Bắc Kạn để hòa mình vào không gian thiên nhiên của hồ Ba Bể. Nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng, hồ Ba Bể được ví như “viên ngọc xanh”, đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng khó quên về cảnh đẹp và con người giữa núi rừng Việt Bắc.

Chúng tôi đến hồ Ba Bể cũng là lúc ông mặt trời vừa tỉnh giấc. Bình minh Ba Bể thật trong lành và dịu êm. Những quầng sáng đầu tiên xuất hiện trên dãy núi làm cho mặt hồ rực rỡ ánh vàng. Khi làn sương mỏng chưa kịp tan, hồ mang vẻ đẹp huyền bí của một địa danh rộng lớn bao la. Phong cảnh hữu tình cộng với sự bình lặng của tự nhiên khiến chúng tôi quên đi mọi ưu phiền của cuộc sống để trải lòng cùng thiên nhiên hoang sơ, mênh mông và huyền ảo.

Chúng tôi gọi đò, người lái đò U60 tên Trung nhanh nhảu giữ mạn thuyền chắc chắn để từng người bước xuống một cách an toàn. Máy vừa nổ, chiếc thuyền rẽ sóng lao vun vút trên mặt nước hồ xanh biếc. Vốn là một tay bơi thiện xạ với thâm niên gần 20 năm cầm chèo, ông Trung là một trong những tay chèo “thiện xạ” trong hơn 200 tay chèo của lòng hồ. Ông nhớ từng cây gỗ quý, từng mét nước trên lòng hồ, dù lái chèo trong màn sương mù giăng mù mịt, ông vẫn lái thuyền đi đúng hướng. Chỉ cần nhìn màu nước, ông cũng biết được lòng hồ nông sâu thế nào.

​Đội văn nghệ Pác Ngòi phục vụ du khách.

Vừa cong mình bẻ lái chiếc thuyền, ông vừa chia sẻ: Trước kia khi quy định về an toàn lòng hồ chưa thắt chặt, tai nạn vẫn có lúc xảy ra, có lần đắm thuyền, chính ông đã từng cứu sống nhiều người thoát khỏi miệng thủy thần, khi ngoi được lên bờ cũng là lúc mình ngất lịm. Từ sự đoàn kết của những tay chèo mà nhiều vụ đắm thuyền đều được ứng cứu một cách kịp thời. Nhìn mặt hồ trong sương sớm, những làn sương mỏng loang xuống mặt hồ trông Ba Bể như một bức tranh thủy mặc. Xa xa, từng đoàn thuyền ngược xuôi rẽ sóng rồi khuất dần trong màn sương bạc. Bên bờ, những núi đá khổng lồ, lừng lững được khoác trên mình màu xanh của những khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Ngoài những cây cổ thụ già đến vài người ôm thì vối là loài cây đặc trưng ở Ba Bể. Những cây vối thân rêu mốc xù xì ngả ra lòng hồ. Mặc dù cành và thân chìm nghỉm trong nước nhưng vối vẫn vươn lên xanh tốt. Những chùm quả đỏ như son sai chi chít tỏa ra không gian mùi hương êm mát, dịu dàng. Ngay cả những cây vối già cũng đem lại nguồn thu đáng kể, trở thành “đặc sản” cho mỗi du khách ghé qua Ba Bể bởi hương thơm đặc trưng riêng. Vừa nói chuyện, ông Trung vừa ngả rạp người lái chiếc thuyền luồn lách qua những vòm cây, hơi lạnh từ trong gườm đá sâu hoắm tỏa ra mát rượi, khác hẳn với bầu không khí nóng hầm hập nơi phố thị. Chúng tôi tranh thủ tận hưởng không khí trong lành và không quên chụp những kiểu ảnh về một không gian sơn thủy hữu tình làm kỷ niệm.

Ấn tượng nhất trên hồ Ba Bể vẫn là hình ảnh cô gái Tày trong bộ áo chàm chèo trên con thuyền độc mộc, và hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng, bản sắc văn hóa và là “đặc sản” riêng của vùng cao Bắc Kạn. Đây là loại thuyền làm bằng duy nhất một thân cây gỗ mà không sử dụng kỹ thuật đóng, ghép. Với dáng hình độc đáo, nhỏ nhắn mà cơ động, thuyền độc mộc chỉ có một mái chèo và là phương tiện lưu thông phổ biến trên sông hồ của đồng bào vùng cao Bắc Kạn. Ngày nay, mặc dù đã có một lượng thuyền được thay thế bằng máy thì thuyền độc mộc vẫn là phương tiện yêu thích của nhiều du khách khi đến với hồ Ba Bể, bởi cảm giác tưởng như chồng chềnh mà lại lướt như bay, vừa hồi hộp lo lắng, lại vừa lạ lẫm, mới mẻ. Những cung bậc cảm xúc ấy có lẽ chỉ khi đến với Ba Bể, được tận mắt ngắm nhìn và ngồi trên chiếc thuyền độc mộc dưới tay chèo của cô gái Tày nhỏ bé, du khách mới có thể cảm nhận hết được.

Thuyền đang chạy trên mặt hồ yên tĩnh, bỗng giật mình khi thấy ông Trung nói với khẩu khí dứt khoát: “Tất cả ngồi cho cân 2 bên rồi bám chặt mạn thuyền, bình tĩnh”. Nói rồi, ông lấy đà ghì chắc tay chèo, nhún người lái thuyền tạt chéo theo dòng nước xiết, từ từ lái thuyền dần trôi hòa vào dòng nước cuộn chảy đục ngầu. Sau một ngày mưa trút, dòng sông Năng trở nên hung dữ, ào ào đổ về dâng ngập cả những bãi ngô mơn mởn ven bờ. Sông Năng không đổ nước vào lòng hồ mà chảy qua cạnh hồ tạo nên dòng xoáy và phân chia nước thành 2 màu rõ rệt, một bên nước hồ có màu xanh thẫm và phẳng lặng, bên là dòng nước đỏ ngầu. Là người bản địa đã từng gắn bó với lòng hồ, ông Trung có nhiều kinh nghiệm để chèo lái con thuyền vượt qua dòng nước dữ. Ông liên tục nghển cao cổ để lái con thuyền tránh những ụ vẩn rác và cả những thân gỗ trôi lềnh bềnh trên dòng nước, giọng hổn hển: Nếu không lái quen thì khi gặp dòng nước xoáy này lật thuyền là điều rất dễ. Mọi người vã hết mồ hôi với cảm giác sợ hãi nhưng không kém phần thích thú với sự trải nghiệm cảm giác mạnh.

Thuyền xuôi dòng sông Năng chừng 2km thì cập bến. Ông Trung dẫn chúng tôi lên bờ rồi giới thiệu các đặc sản của Ba Bể như rau dớn, nụ vối, măng rừng... đặc biệt là loài cá hồ. Đây là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách bởi khi nướng lên cá có hương vị thơm nồng hấp dẫn, có thể ăn cả thịt, xương lẫn đầu. Là dân báo ngành thủy sản, Nguyễn Việt tranh thủ lấy máy ảnh chụp những cô gái đang bán cá dịu dàng trong bộ áo chàm dung dị.

Sau 15 phút cuốc bộ trong tiếng nước réo ầm ào vang vọng, thác Đầu Đẳng hiện ra trước mắt. Thác hùng vĩ với chiều dài hơn ngàn mét nằm giữa hai dãy núi đá vôi dựng đứng. Cao trên 100 mét, thác Đầu Đẳng đổ xuống bằng toàn bộ nước sông Năng, len lỏi giữa những khối đá vôi lớn nằm chồng lên nhau chênh vênh trên ba thềm bậc đá: bậc đầu nước từ trên cao xối mạnh và khúc khuỷu; bậc tiếp theo, nước rẽ thành hai dòng; đến bậc cuối lại chảy lững lờ giữa những tảng đá, êm đềm và thơ mộng. Thác Đầu Đẳng vừa bề thế vừa ngoạn mục và kỳ vĩ, hòa với phong cảnh rừng nguyên sinh tạo ra một ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Chiều tối, chúng tôi trở về ngôi nhà sàn Ngọc Mai ở bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu trong một không gian thân thiện. Những năm qua, người dân ở đây đã biết phát huy lợi thế của loại hình du lịch homestay để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Hiện Pác Ngòi có 91 hộ, trong đó có gần 20 hộ đã xây dựng mô hình nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống tại nhà. Cô chủ Ngọc Mai cho biết: Giờ đây Ba Bể đã khác rồi, nhờ có hồ mà người dân ở đây có thu nhập từ việc phát triển du lịch. Ngoài nghề chở đò đưa khách và đánh bắt cá tôm ở lòng hồ thì những hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho nhiều người trong bản, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với người dân. Mặt khác, hoạt động này còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Ngôi nhà sàn nằm ngay mép nước bên lòng hồ, vừa mở các ô cửa, gió từ mặt hồ thổi lên thông thống, mái rượi. Cạnh mép hồ là khoảng sân rộng, địa điểm để đội văn nghệ của bản biểu diễn phục vụ du khách mỗi tối. Mỗi nhà sàn làm dịch vụ homestay được bố trí từ 3 đến 5 phòng, trong đó có một phòng rộng ngủ tập thể. Mai cho biết: Ở đây các hộ gia đình đăng ký dịch vụ homestay đều tự giác cam kết chặt chẽ trong việc phục vụ du khách, nếu hộ nào có phục vụ không tận tình hay có tình trạng “chặt, chém” du khách đều bị loại khỏi “vòng chiến đấu”. Do vậy, dù khách quen hay lạ, dù khách nội địa hay nước ngoài, mọi dịch vụ đều chung giá.

Rượu đã ngà ngà cũng là lúc tiếng khèn, tiếng sáo của đội văn nghệ Pác Ngòi hòa vào không gian du dương, trầm bổng. Hiện cả xã Nam Mẫu có 4 đội văn nghệ thường xuyên phục vụ du khách khi họ có nhu cầu. Mỗi đội có trên dưới 10 người, anh Nông Văn Hoàn, đội trưởng đội văn nghệ Pác Ngòi cho biết, sau gần 10 năm được thành lập từ Dự án Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa, đến nay Đội luôn duy trì hoạt động biểu diễn phục vụ du khách. Trung bình một tháng đội biểu diễn phục vụ khoảng trên chục buổi, thu về gần chục triệu đồng. Với số tiền thu được ngoài việc nâng cao đời sống thì đội còn đầu tư mua thêm trang phục, một số đạo cụ cần thiết, chi phí khác nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Từ những hoạt động này đã lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến tham quan du lịch.

Cùng giao lưu và xem đội văn nghệ biểu diễn, anh Tô Ấn Trà, giảng viên Học viện Ngoại giao nhận xét: “Không gian văn hóa Ba Bể có sắc thái riêng. Ngoài việc được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng với nhiều cảnh đẹp, lại được giao lưu, thưởng thức những món ăn đặc sản cùng những làn điệu then, điệu múa mang bản sắc truyền thống của địa phương chúng tôi thấy rất vui và như thấy gần gũi, gắn kết với người dân nơi đây hơn.”

Bài, ảnh: Thanh Hội

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: