Mệnh lệnh của nhân dân

29-06-2012 20:56 | Xã hội
google news

Tham nhũng đang là quốc nạn và Nghị quyết TW4 ra gần đây có thể coi là vũ khí dẹp nội xâm. Tuy nhiên, có vũ khí rồi nhưng sử dụng vũ khí thế nào quả không dễ khi đối tượng của “cuộc chiến” này lại là anh em đồng chí của chính mình.

(SKDS) -  Tham nhũng đang là quốc nạn và Nghị quyết TW4 ra gần đây có thể coi là vũ khí dẹp nội xâm. Tuy nhiên, có vũ khí rồi nhưng sử dụng vũ khí thế nào quả không dễ khi đối tượng của “cuộc chiến” này lại là anh em đồng chí của chính mình. Thậm chí đạn bắn có thủng không khi áo giáp của kẻ tham nhũng quá dày, được lợi dụng từ những “nguyên tắc”, “quy trình”, “quá trình cống hiến”, thậm chí có cả những “ô dù”...

Đảng, Nhà nước, Chính phủ biết được điều này nên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi trả lời cử tri đã khẳng định quyết tâm của Đảng xem chống tham nhũng là mệnh lệnh của nhân dân. Chủ tịch nước cho rằng việc thất thoát tài sản Nhà nước phải được làm rõ trách nhiệm trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW 4 và khẳng định: “Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Đảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này”.

Đảng và Nhân dân khi trao quyền lực, chức vụ là trao cho từng cá nhân cụ thể được ghi trong Quyết định bổ nhiệm với tên tuổi, địa chỉ rất rõ ràng. Thế nhưng khi có vấn đề xấu xảy ra thì nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” lại là cái mộc đỡ cho từng cá nhân cụ thể dù rằng chưa hề có quyết định nào “bổ nhiệm tập thể” bởi tập thể là một danh từ chung. Không hiếm kẻ tham nhũng lợi dụng quyền hành, hành xử thiếu dân chủ, tổ chức họp, biểu quyết tập thể để phục vụ ý đồ của mình.
 
Khi việc bị phơi bày thì kẻ tham nhũng, trâng tráo rũ bỏ trách nhiệm và việc làm của họ chỉ là theo quyết định tập thể! Đã đến lúc cần coi quyết định bổ nhiệm như một “hợp đồng trách nhiệm” giữa người nhận với nhân dân mà cơ quan ký, trao là đại diện. Thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu cấp ủy và người bổ nhiệm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về tập thể, cơ quan đó. Khi đơn vị, cơ quan đó bị thất thoát tài sản Nhà nước hoặc xảy ra những vi phạm nào thì phải có cá nhân chịu trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu.
 
Những việc này ai cũng biết nhưng dường như khó thực hiện bởi tâm lý quản lý hiện nay nặng về “nhân trị” hơn “pháp trị”. Chúng ta không thiếu luật nhưng thiếu sự kiên quyết thực hiện pháp trị của Nhà nước pháp quyền. Khi xử lý vụ việc, không ít vụ việc được bàn thảo giữa các cá nhân về cách xử lý mà không dựa vào luật định. Ngay việc xét xử cũng có chuyện cấp ủy yêu cầu khởi tố vụ án như việc Thành ủy Cần Thơ trước đây họp và đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh vào cuộc trong vụ Nông trường sông Hậu để rồi cuối cùng vụ án tốn thời gian, công sức, gây bức xúc trong dư luận và... đình án.
 
Việc kết luận đúng sai, có tội hay không có tội phải qua quá trình điều tra, xét xử độc lập mới có kết luận nhưng nhiều khi “kết luận” có trước điều tra xét xử thành ra việc điều tra xét xử chỉ là việc làm chứng minh cho kết luận đã có mới dẫn đến những “án bỏ túi”, những oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh tham nhũng bởi “nhân trị” là tình cảm, nhận thức cảm tính trong khi kẻ sai phạm vốn gần gũi, quen biết với tập thể sẽ hoặc đang bàn thảo xử lý vấn đề của cá nhân và đơn vị sai phạm.

“Biện pháp đau đớn” mà Chủ tịch nước đề cập phải chăng là việc đề cao “pháp trị” dù việc xử lý động tới đồng chí của mình và có thể lo ngại đến uy tín của cơ quan, tổ chức có người vi phạm. Nhưng chống tham nhũng là mệnh lệnh của nhân dân, đó là mệnh lệnh thiêng liêng vì sự sống còn của chế độ, của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân.  

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn