Bé Nam nhà chị Mai bị tiêu chảy. Ngày đầu bé còn đi ngoài ít nhưng phân thì toàn nước. Chị Mai kiểm điểm tìm nguyên nhân mà vẫn chưa ra, bởi thức ăn của bé lúc nào chị cũng nấu mới, không thể do thức ăn bị ôi thiu mà
tiêu chảy được. Thấy chị Mai cứ lúng túng trong việc tìm nguyên nhân, bà Hằng, mẹ chồng chị lên tiếng:
- Con cứ ra hiệu thuốc mà mua ít gói men tiêu hoá cho nó uống. Cái thuốc này tốt lắm, không chỉ tiêu chảy đâu mà từ ăn không tiêu, đầy hơi, chán ăn... dùng nó đều tốt cả. Thuốc có sẵn ở nhà thuốc đấy, cứ ra hỏi là các cô ấy bán cho.
Nghe lời mẹ chồng, chị Mai đạp xe qua hiệu thuốc mua về cả hai chục gói men tiêu hoá rồi cho con trai uống. Ngày thứ nhất, thứ hai mà bé Nam vẫn không thấy đỡ, đi ngoài nhiều hơn. Chị nghĩ, chắc là thuốc chưa có tác dụng nên cứ tiếp tục cho con uống, kết hợp với cho con ăn kiêng như không ăn chất tanh, chất đạm nhiều. Sang đến ngày thứ ba, thứ tư do bé Nam đi nhiều, mất nước, môi khô, mắt trũng xuống, người mệt mỏi, lờ đờ... chị Mai đành phải cho con vào viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết:
- Chị đã để cho cháu bị mất nước quá nhiều do tiêu chảy mà không bù dịch cho bé.
- Ở nhà em đã cho cháu dùng men tiêu hóa rồi, nhưng mà không thấy đỡ.
- Khi trẻ bị tiêu chảy trước tiên chị phải bù nước cho cháu bằng dung dịch oresol (thuốc này có rất sẵn trong hiệu thuốc) chứ không phải men tiêu hoá. Trường hợp tiêu chảy ít mà uống 1 - 2 ngày không đỡ phải cho con đi khám bệnh. Nếu để mất nước nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- Vậy mà ở quê em người ta cứ mách nhau dùng men tiêu hoá khi bị các vấn đề về đường ruột ấy.
- Đó là quan niệm hết sức sai lầm chị ạ.
Nhân cơ hội này bác sĩ giảng giải luôn cho tất cả bệnh nhân và người nhà trong phòng bệnh cùng nghe: men tiêu hóa trong cơ thể con người do hệ tiêu hóa tiết ra, lượng tiết ra bao nhiêu tùy thuộc vào số lượng và chất lượng thức ăn hàng ngày. Chính thức ăn và thành phần trong thức ăn kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa, tuyến tụy, mật tiết men... để tiêu hóa.
Các loại thuốc đang bán trên thị trường vẫn được chúng ta quen gọi là men tiêu hóa thường được làm từ vi khuẩn. Mục đích đưa các loại vi khuẩn ấy vào cơ thể là để cân bằng vi khuẩn đường ruột đã bị rối loạn. Vì vậy, có thể sử dụng trong các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh gây ra - tức là khi cho em bé uống thuốc kháng sinh mà bị
tiêu chảy. Tiêu chảy trong trường hợp này là do kháng sinh đã giết chết các vi khuẩn có lợi, phá vỡ thế cân bằng trong đường ruột. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa chắc đã rõ ràng.
Đối với tiêu chảy do nguyên nhân khác (siêu vi, vi khuẩn...), thuốc này chỉ có tác dụng làm giảm tiêu chảy Rotavirut gây ra, chứ không điều trị được bệnh tiêu chảy... Vì vậy, nguyên tắc điều trị bệnh tiêu chảy là bù nước và dùng kháng sinh thích hợp khi cần thiết, chứ cứ chăm chăm cho con mình uống men tiêu hóa mà quên bù nước là rất nguy hiểm!
Qua sự việc này, cùng với sự chia sẻ của bác sĩ, chị Mai và mọi người trong phòng bệnh lại có thêm một bài học về sử dụng thuốc.
Hà Nguyên Cường