Hà Nội

Men gan tăng, khi nào mới dùng thuốc?

22-11-2020 21:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi xét nghiệm thấy men gan tăng, nhiều người vội tìm mua các loại thuốc, dược liệu hay thực phẩm chức năng để tự chữa bệnh cho mình, nhưng sử dụng tùy tiện mà không có chỉ định của thầy thuốc vô tình còn làm hại gan.

Thế nào là men gan cao?

Men gan là các enzyme được tế bào gan sản xuất để thanh thải độc tố, chuyển hóa, tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể… Men gan được phóng thích vào máu khi tế bào gan bị tiêu hủy do quá trình lão hóa và gan tiếp tục thay thế bằng các tế bào mới. Chính vì vậy, chỉ số men gan gần như cố định ở người khỏe mạnh.

Khi gan bị viêm hay các tế bào gan bị tổn thương sẽ khiến nồng độ men gan trong máu tăng. Mức độ tăng của men gan tỷ lệ thuận với tình trạng tổn thương, men gan càng cao thì gan của bạn bị tổn hại càng nặng. Tình trạng này thường gặp ở những đối tượng bị bệnh gan có sử dụng thuốc, người bị viêm gan hoặc những người sử dụng các đồ uống kích thích như rượu, bia trong thời gian dài.

Men gan cao ở giai đoạn đầu thường không có nhiều biểu hiện rõ ràng. Để xác định chỉ số men gan trong cơ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp đánh giá chỉ số AST, ALT, GGT và ALP. Men gan cao được xác định khi các chỉ số này vượt quá ngưỡng cho phép.

Một số yếu tố khiến men gan tăng cao.

Một số yếu tố khiến men gan tăng cao.

Thuốc hạ men gan khi nào nên dùng?

Trong trường hợp xét nghiệm máu nhận thấy men gan tăng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu để phát hiện virus gây tổn thương gan, MRI, CT, siêu âm hoặc sinh thiết gan. Các xét nghiệm này giúp xác định nguyên nhân làm tăng men gan và đánh giá mức độ tổn thương của tế bào gan. Việc chẩn đoán và điều trị men gan cao cần dựa trên nguyên nhân, cơ chế của bệnh để từ đó đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Nếu nguyên nhân men gan cao do viêm gan virus thì cần điều trị bằng thuốc kháng virus, hạ men gan và bảo vệ gan. Nếu nguyên nhân men gan cao do uống nhiều rượu, bia thì cần dừng ngay việc sử dụng các chất có cồn, không hút thuốc lá. Đồng thời, người bệnh men gan cao nên duy trì chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoa quả, rau xanh, rèn luyện thể dục thường xuyên nâng cao thể trạng. Để hạ men gan và bảo vệ tế bào gan, bác sĩ có thể chỉ định thuốc hướng gan (hepatotropes). Nhóm thuốc này có tác dụng điều chỉnh hạ men gan do viêm gan siêu vi, viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ và xơ gan. Đồng thời hỗ trợ làm giảm các triệu chứng do tăng men gan gây ra, bao gồm:

Các loại acid amin: Arginin, ornithin, carnitin, acid glutamic… Những thuốc này thường được dùng giúp người bệnh chuyển đổi protid trong cơ thể và có tác dụng tái tạo gan, thích hợp cho những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa, cơ thể suy nhược, thiếu chất.

Choline: Loại thuốc này thường được dùng cho những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng khó chịu do gan nhiễm mỡ gây ra, giảm lượng mỡ ứ đọng trong gan và hồi phục chức năng gan.

Các loại vitamin: Các loại vitamin như vitamin nhóm B, vitamin E đều có tác dụng rất tốt đối với việc cải thiện chức năng gan, bảo vệ tế bào gan và ngăn chặn mỡ làm hoại tử gan, chính vì thế, những người bị mắc bệnh gan nhiễm mỡ cũng được dùng những thuốc này để đẩy lùi bệnh.

Các thuốc chứa các dược thảo: Như diệp hạ châu, actisô (artichaut), rau má, nhân trần, silymarin (chất có trong cây Silybum marianum)…

Đối với những bệnh nhân bị viêm gan virus làm suy giảm chức năng gan, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng các loại thuốc kháng virus như Peg- interferon, ribavirin...

Nếu có bệnh lý rối loạn lipid máu, cần sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat, nhóm statin, vitamin E liều cao cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ...

Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ phục hồi và bảo vệ gan được nhiều người sử dụng bởi tính hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng các dược liệu không rõ nguồn gốc, hiệu quả chưa được chứng minh, hoặc dùng quá liều, không đảm bảo tác dụng điều trị mà còn khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề. Vì hầu hết các loại thuốc đều được chuyển hóa ở gan nên kể cả thuốc tây, thuốc Nam hay thuốc Đông y cũng đều có thể gây hại cho gan khi dùng không đúng liều lượng và tình trạng bệnh. Dùng thuốc đúng chỉ định, chính xác thì mới đem lại lợi ích cho người bệnh và tránh được các rủi ro, bất lợi.


Ds. Nguyễn Trang
Ý kiến của bạn