Men gan cao - mức độ hủy hoại tế bào gan ở mức báo động
Anh Nguyễn Trung, 35 tuổi, TP.HCM, nhân viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu. Vì đặc thù công việc, anh phải giao tiếp, thường xuyên dùng rượu bia. Trong lần khám sức khỏe tháng 6 vừa rồi, anh nhận kết quả xét nghiệm bị tăng men gan với chỉ số 2700 U/l. Để điều trị giảm men gan, bác sĩ khuyên anh kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là kiêng rượu bia. Sau lần tái xét nghiệm, men gan của anh đã giảm thấy rõ.
Kịp thời phát hiện và điều trị sớm, triệu chứng tăng men gan chưa gây ra các bệnh nguy hiểm với anh Trung. Tuy nhiên, TS.BS. Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan, Trung tâm Y khoa Medic, cho biết: rất nhiều người hiện nay, do không phát hiện sớm tăng men gan dẫn đến những tổn thương gan nặng như xơ gan, suy gan thì việc điều trị vô cùng khó khăn.
Trong nhóm xét nghiệm chức năng gan, giúp đánh giá một cách tổng quát tình trạng hoạt động của gan và hệ thống đường mật thì có xét nghiệm men gan. Men gan liên quan đến tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan, men gan là chỉ số nói lên mức độ hủy hoại của tế bào gan. Men gan càng cao thì mức độ hủy hoại càng tăng. Tăng men gan có thể do nhiều nguyên nhân do virút, vi trùng, hóa chất, uống nhiều rượu bia... Trong đó, lạm dụng rượu bia được xem là nguyên nhân chủ yếu.
Nếu men gan tăng nhẹ dưới 2 lần thì người bệnh hầu như chưa có biểu hiện triệu chứng gì, chỉ được đánh giá qua xét nghiệm với hai chỉ số chính là men ALT (Alanin Amino Transferase) và men AST (Aspartate Amino Transferase). Chỉ số bình thường trong máu khoảng < 30 U/l . Khi chỉ số các men ALT, AST gia tăng trong máu báo hiệu tế bào gan đang bị phá hủy. Từ đó, dẫn đến giảm khả năng làm việc của gan, suy gan, ảnh hưởng hoạt động các cơ quan khác trong cơ thể như thận, tim…
Tăng men gan là triệu chứng của nhiều bệnh, do đó cần điều trị theo từng nguyên nhân. Trong đó, TS.BS. Thu Thủy lưu ý đến tác hại của việc lạm dụng rượu bia “phá hoại” lá gan vì khiến lượng acetaldehyt là chất độc được sản sinh ra khi sử dụng bia rượu phá hủy tế bào gan tăng rất nhanh, nặng có thể gây viêm gan cấp, hôn mê gan, nguy hiểm đến tính mạng.
“Chặn” men gan tăng từ sớm
TS.BS. Thu Thủy cho rằng, cần ngăn chặn tăng men gan bằng phương pháp khoa học từ lúc còn là nguy cơ để bảo vệ lá gan.
Để bảo vệ lá gan khỏe mạnh, bạn cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý: nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A (cà rốt, hẹ, tỏi tây, bắp cải), vitamin B1 (giá, hoa quả, đậu, lạc, rau xanh), vitamin B2 (hạt kê, đậu nành, trứng, sữa), các thực phẩm chứa nhiều protein (thịt nạc, cá); không ăn da, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh các gia vị cay nóng; kiêng rượu, bia và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá. Bên cạnh đó, nên nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, không thức khuya, giải quyết tốt áp lực, stress…
Mỗi người nên chủ động theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện tăng men gan. Người bị men gan cao nên thực hiện đúng chỉ định và dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc, đồng thời, kiểm tra định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đánh giá sự tiến triển của bệnh để giúp tế bào gan nhanh tái sinh, tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy phục hồi chức năng gan.