Men gan nằm trong tế bào gan và chúng tham gia vào các quá trình chuyển hoá quan trọng các chất trong cơ thể. Vì vậy, men gan có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Khi men gan bị rối loạn, nhất là men gan tăng cao, phải hết sức lưu ý tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử trí thích hợp.
Nguyên nhân làm tăng men gan
Bất kỳ người bình thường nào cũng có men gan. Men gan có 4 loại, đó là AST (aspartate transaminase) hoặc còn được gọi là SGOT (serum glutamic oxaloacetic transaminase). Loại thứ 2 là ALT (alanin transaminase) hay còn gọi là SGPT (serum glutamic pyruvic transaminase), hai loại này có trong tế bào gan. Khi gan bị viêm hoặc bị tổn thương thì hai loại men gan này bị rò rỉ vào dòng máu làm cho chỉ số men gan tăng. Loại men gan thứ 3 là alkalin phosphatase có trong màng tế bào gan và loại thứ 4 là GGT (gamma glutamyl transpeptidase) có trong thành của tế bào ống mật. Ở người bình thường, hai loại men gan SGPT và SGOT do tế bào gan sản sinh ra và chúng có hàm lượng cố định trong máu khoảng dưới 40U/l huyết thanh. Qua các nghiên cứu, người ta rút ra rằng khi men gan tăng từ 1 – 2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 – 5 lần là mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng. Tỷ lệ ALT và AST có thể mang lại thông tin có giá trị về mức độ và nguyên nhân đối với bệnh của gan. Hầu hết bệnh về gan thì ALT (SGPT) cao hơn AST (SGOT) nhưng trong bệnh xơ gan và nghiện rượu thì mức tăng AST cao hơn ALT (thường tỷ lệ này là 2:1). Khi gan bị viêm hoặc chấn thương vì bất kỳ một lý do nào đó hoặc do tổn thương ở đường dẫn mật làm ứ trệ sự lưu thông của dịch mật thì tế bào gan sẽ gia tăng sản sinh và bài tiết men gan. Sự gia tăng men gan nổi trội nhất là viêm gan cấp tính đặc biệt là viêm gan cấp do siêu vi. Trong viêm gan cấp tính do siêu vi, có khi men gan tăng gấp từ 10 - 20 lần. Đối với viêm gan mạn tính thể tiến triển hoặc xơ gan hoặc viêm gan tự miễn thì men gan cũng có thể gia tăng. Đây cũng là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá là viêm gan mạn tính tiến triển hay người lành mang virut viêm gan. Các nguyên nhân khác làm tổn thương tế bào gan như rượu (đặc biệt là trong các trường hợp nghiện rượu), sốt rét, ung thư gan, ngộ độc hoá chất cũng làm cho men gan gia tăng một cách đáng kể. Bệnh về đường mật cũng có liên quan mật thiết với gan, nhất là các bệnh do sỏi đường dẫn mật, giun chui ống mật, viêm đường mật. Các nguyên nhân này thường làm cho đường dẫn mật phù nề hoặc tắc nghẽn dịch mật khó lưu thông tác động đến tế bào gan và vì vậy làm cho men gan gia tăng. Ngoài ra người ta cũng nhận thấy có một số nguyên nhân ngoài gan như các bệnh nhiễm khuẩn nặng (bệnh sởi, Rubella, nhiễm khuẩn huyết) hoặc một số thuốc cũng có thể làm gia tăng men gan. Đối với thuốc, có một số có tác động rất lớn đến gan, thậm chí gây độc cho gan, điển hình nhất là một số thuốc chống vi khuẩn lao (INH, rifamixin…), thuốc thuộc nhóm fluoquinolon (ciprofloxacin), acetaminophen (paracetamol, tydol, efferalgan…). Khi ngộ độc do thuốc cũng có thể làm men gan gia tăng. Tuy vậy, trong một số trường hợp, mặc dù men gan tăng nhưng không phải từ gan mà bởi các lý do khác, ví dụ hoạt động thể lực mạnh. Vì vậy trong thực tế, người ta thấy rằng khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng, nhất là trường hợp men gan tăng cao là cần phải xem xét, cân nhắc kỹ càng hơn và đặc biệt lưu ý đến gan, mật.
Men gan tăng chứng tỏ sự trục trặc ở gan hoặc mật. |
Khi men gan tăng, nên làm gì?
Nếu tình cờ phát hiện men gan trong máu gia tăng, đặc biệt là tăng gấp đôi chỉ số bình thường (trên 40U/l) thì cần đi khám bệnh để bác sĩ xác định nguyên nhân. Hiện nay, khi thấy men gan trong máu tăng thì việc đầu tiên nên nghĩ đến là người đó có bị nhiễm virut viêm gan hay không, vì vậy cần làm xét nghiệm tìm nguyên nhân. Trong các loại viêm gan do siêu vi thì viêm gan B, C có thể dùng phương pháp xét nghiệm nhanh để nhận xét sơ bộ. Riêng viêm gan do virut B, ngoài xét nghiệm xem HBsAg khi có dương tính còn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg, HBsAb, antiHBeAg… Nếu có điều kiện thì cần xét nghiệm đánh giá ADN của virut. Khi đã xác định được nguyên nhân thì nên nghe theo tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Nếu men gan tăng do viêm tắc đường dẫn mật thì cần được điều trị triệt để nguyên nhân. Người bị tăng men gan nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đánh giá sự tiến triển của bệnh. Trong ăn uống hằng ngày, cần kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn, nhất là người đang mắc bệnh về gan (viêm gan cấp, mạn hoặc người lành mang virut viêm gan), mật (sỏi mật, giun chui ống mật, viêm đường dẫn mật) hoặc đã từng mắc bệnh sốt rét. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào. Chế độ ăn cũng cần được lưu ý, ví dụ như không ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào. Khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng trong khi đang dùng một loại thuốc nào đó cũng nên cho bác sĩ khám bệnh và theo dõi sức khoẻ cho mình biết để bác sĩ có phương án giải quyết. Ngoài ra cũng nên vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng trừ khi đang bị viêm gan cấp tính.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu