Mềm sụn thanh quản

14-08-2012 14:12 | Bệnh thường gặp
google news

Mền sụn thanh quản (MSTQ) là tình trạng sụn thanh quản bị mềm, không đủ cứng để nâng đỡ vùng thanh quản, làm che lấp một phần đường hô hấp. Khi thở, không khí đi vào thanh quản bị bẹp sẽ nghe tiếng rít to.

Mền sụn thanh quản (MSTQ) là tình trạng sụn thanh quản bị mềm, không đủ cứng để nâng đỡ vùng thanh quản, làm che lấp một phần đường hô hấp. Khi thở, không khí đi vào thanh quản bị bẹp sẽ nghe tiếng rít to.

Đây là bệnh lý bẩm sinh, gặp ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhũ nhi. Nguyên nhân hiện nay chưa rõ.

Thanh quản với giải phẫu học

Thanh quản là một cơ quan cấu trúc lên hệ hô hấp, được cấu tạo bởi 9 loại sụn khác nhau, được liên kết với nhau bởi các dây chằng và cơ. Thanh quản ở ngay dưới trước của họng, giữa vùng cổ, dưới xương móng và đáy lưỡi. 9 loại sụn tạo nên thanh quản bao gồm: sụn thanh thiệt hay sụn nắp, sụn giáp, sụn phễu, ngoài ra còn có các loại sụn nhỏ. Thanh quản chi phối bởi dây thần kinh X, và dây thần kinh quặt ngược. Chức năng chính của thanh quản là chức năng thở và chức năng phát âm.

Cấu trúc giải phẫu của thanh quản

Tại sao có mềm sụn thanh quản?

Trẻ mới sinh ra, nếu sụn thanh quản bình thường, trẻ sẽ thở tốt sau các động tác của các cô nữ hộ sinh giúp trẻ hút đàm nhớt và kích thích cho trẻ tự thở. Trong trường hợp sụn thanh quản bị mềm, thường thì mềm vùng thanh thiệt và vùng sụn phễu, khi trẻ thở vào vì vùng thanh thiệt mềm nên bị cụp xuống, che phần dưới thanh môn làm cho hẹp đường thở. Một số quan điểm cho rằng, do sự hoàn chỉnh chậm của thần kinh và cơ ở vùng ngã tư họng - thanh quản với giảm trương lực các cơ treo ở vùng dưới xương móng. Những đứa trẻ bị MSTQ trong những gia đình nuôi dưỡng kém khi mang thai, kinh tế khó khăn, thiếu thốn ăn uống không đầy đủ.

Cách xác định

Bệnh lý này có một triệu chứng đặc trưng, đó là tiếng thở rít ở thì hít vào, phần lớn em bé không bị tím tái, môi vẫn hồng, tiếng rít này tăng lên khi trẻ ngủ, khi khóc. Xuất hiện sớm ngay từ khoảng ngày thứ 10 sau sanh. Nếu xuất hiện muộn phải nghĩ đến nguyên nhân khác. Tiếng thở rít to hay thường xuyên có thể kèm theo bội nhiễm đường hô hấp. Cường độ giảm dần và mất hẳn tiếng rít sau 30 tháng tuổi. Có những trường hợp nặng tiếng rít có thể kéo dài khi trẻ 5 tuổi.

Triệu chứng khác có thể thấy là nhịp thở, có khó thở chậm thì hít vào, co lõm ức, liên sườn.

Nội soi thanh quản là cách xác định rõ, cho thấy  hình ảnh mềm sụn thanh quản, đồng thời nội soi thanh quản giúp chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân khác gây tiếng rít thanh quản.

Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu. Khoảng 2 tuổi bệnh tự khỏi, nên chăm sóc đường hô hấp. Bệnh sẽ nặng thêm khi có bội nhiễm đường hô hấp. Trẻ bú khó do sụn thanh quản mềm, nên cho trẻ bú chậm và chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh để sặc sữa. Cho trẻ bú sữa mẹ, uống thêm canxi và vitamin D, tắm nắng hàng ngày cho trẻ, trẻ càng lớn bệnh càng giảm. Trường hợp trẻ có bội nhiễm nặng có thể đặt nội khí quản để giúp đường thở phải thông tốt. Đôi lúc phải đặt vấn đề phẫu thuật khi trẻ bị khó thở dữ dội, bằng cách phẫu thuật cắt bỏ một phần thanh thiệt để làm giảm bít tắc thanh môn.

Tóm lại: MSTQ là một bệnh gây khó thở có tiếng thở rít ở trẻ nhỏ. Chính tiếng rít này làm cho cha mẹ của trẻ lo lắng. Tuy nhiên, bệnh này thuộc dạng nhẹ, trẻ phát triển ngày càng lớn, bệnh sẽ giảm dần, sau 2 tuổi sẽ khỏi. Cần chăm sóc kỹ trẻ tránh để trẻ sặc sữa và bội nhiễm phổi. Phẫu thuật trong MSTQ khi bệnh lý nặng nề.

BS. NGUYỄN THUẬN THÀNH


Ý kiến của bạn