Hà Nội

Melatonin có chữa được mất ngủ?

20-12-2016 14:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 43 tuổi, thường xuyên bị mất ngủ. Tôi có thể dùng melatonin để chữa mất ngủ được không?

Tôi 43 tuổi, thường xuyên bị mất ngủ. Tôi có thể dùng melatonin để chữa mất ngủ được không?

Trần Thị Bình (Hà Tĩnh)

Melatonin có vai trò rất quan trọng đối với giấc ngủ, là một hormon tự nhiên được sản xuất bởi tuyến tùng ở não. Đây là một tuyến bằng hạt đậu nằm ngay giữa não. Trong thời gian ban ngày, tuyến tùng không hoạt động. Khi mặt trời lặn và bóng tối đến, tuyến tùng được kích hoạt bởi vùng thị giác và bắt đầu tích cực sản xuất melatonin, chất này ngấm vào máu, đi khắp cơ thể. Bình thường, điều này xảy ra vào khoảng 9 giờ tối làm cho nồng độ melatonin trong máu tăng mạnh và bạn bắt đầu cảm thấy ít tỉnh táo hơn, cảm giác buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Nồng độ melatonin trong máu cao nhất vào khoảng 12 giờ đêm và thấp nhất lúc 9 giờ sáng. Ban ngày, nồng độ của melatonin trong máu hầu như không đáng kể.

Melatonin là hormon duy nhất bạn có thể mua mà không cần đến đơn của bác sĩ. Đó là vì melatonin có trong một số loại thực phẩm tự nhiên. Hầu hết các sản phẩm melatonin thương mại gây ra nồng độ melatonin trong máu cao hơn nhiều so với nồng độ melatonin tự nhiên trong cơ thể. Do vậy, melatonin cần được dùng đúng liều, đúng thời điểm trong ngày thì mới có tác dụng với giấc ngủ. Đưa nó vào sai thời điểm trong ngày có thể gây rối loạn nhịp thức - ngủ của bạn theo hướng không mong muốn.

Có vài bằng chứng cho thấy melatonin có thể cải thiện giấc ngủ khi melatonin được uống tại thời điểm thích hợp đối với người phải đi máy bay và thay đổi ca làm việc (đổi từ làm ngày sang làm đêm và ngược lại).

Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng melatonin có tác dụng rút ngắn thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ và giảm số lần thức giấc trong khi ngủ,  tuy nhiên, tổng thời gian ngủ không được cải thiện. Melatonin không thể điều trị được mất ngủ cho các bệnh mất ngủ tiên phát, mất ngủ do trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, động kinh... Bệnh nhân bị các bệnh này phải được khám và chữa bệnh bởi các bác sĩ tại chuyên khoa tâm thần. Độ dài giấc ngủ cũng giảm dần theo thời gian, nghĩa là người càng nhiều tuổi thì thời gian ngủ càng ngắn đi. Vì vậy, bác nên đi khám bác sĩ để có tư vấn dùng thuốc chính xác.

PGS.TS. Bùi Quang Huy

(Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)


Ý kiến của bạn