Cái tên Madeleine Riffaud hẳn không xa lạ gì đối với người Việt Nam. Sinh năm 1924, được coi là một nữ anh hùng thời kháng chiến chống Đức quốc xã chiếm đóng Pháp, chị chiến đấu từ năm 18 tuổi. Chị chuyên tập kích các đoàn xe Đức và có lần ám sát một sĩ quan Đức. Bị bắt, tra tấn, bị kết án tử hình nhưng trốn thoát, tiếp tục chiến đấu đến khi nước Pháp được giải phóng. Là phóng viên chiến tranh nhiều nơi trên thế giới, là nhà văn, nhà thơ, chị đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam, trong đó cóĐũa ngọc.
Kỷ niệm 50 năm Hội hữu nghị Pháp -Việt, Madeleine Riffaud đã kể lại một số kỷ niệm về miền Nam năm 1964 trong tờ nguyệt san của Hội: Viễn vọng Pháp Việt (số 77/2011). Xin tóm lược như sau:
Madeleine dù đã qua nhiều nước, nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất của bà là 3 tháng ở bưng biền Nam Bộ để làm phim vùng giải phóng. Chị cũng giống như nhà báo Úc Burchett (Bớc-sét) đồng tác giả bộ phim, đã nói “Chuyến đi này không chỉ là một thiên phóng sự mà là một sự kiện gây dấu ấn mạnh nhất trong cuộc đời tôi!”
Chị ôn lại: “Tôi quên làm sao được những bà già của “đội quân tóc dài”, các bà ôm chầm lấy tôi, ngây thơ tưởng là tôi đi bộ hay đi thuyền từ tận cùng thế giới để tới đây…, các bà sờ nắn hai đầu gối tôi xuýt xoa: “Hẳn cháu mỏi lắm, phải không?”. Không đâu! Tôi có mỏi đâu…các bà cho tôi uống nước quả, dẫn tôi đến trước bàn thờ ông vải, hôn tôi biết bao trìu mến, hôn cả những chú lính trẻ quân Giải phóng tháp tùng tôi cùng Burchett.
Madeleine theo dõi một trung đoàn quân Giải phóng luyện tập. Toàn thanh niên từ 16 đến 19 tuổi, vì các “Việt cộng” trưởng thành đã tập kết ra Bắc. Năm 1955, chị đã có mặt ở miền Nam, hoạt động báo chí bên Ủy ban Quốc tế kiểm tra đình chiến. Chuyện đời các lính giải phóng hơi giống nhau: Khi Ngô Đình Diệm lập ấp chiến lược thì bố tập kết ra Bắc, mẹ nhất định không lấy lính Sài Gòn nên bị đày ra Côn Đảo. Con mới 4,5 tuổi được các mẹ chiến sĩ nuôi đến khi vào bộ đội.
Madeleine kể: Đến làng nào các chú bộ đội tháp tùng tôi cũng đi chào, ôm hôn các bà mẹ chiến sĩ và tất cả dân làng. Quả đúng là con của nhân dân! Các chú được đón tiếp như con cái. Các bà mẹ cho ăn, cho học đọc, học viết, đôi bên gọi nhau là mẹ con. Trong vùng giải phóng, chú lính nào cũng có một bà mẹ nuôi, một cô nuôi. Anh Burchett và tôi nhận định là ngoài một số sĩ quan đứng tuổi, năm 1954 chia hai miền Bắc Nam thì các chú lính này lúc đó mới độ 4,5 tuổi. Do được nuôi trong dân, những chú bé đó lớn lên rất mực tình cảm, hiền lành, nhưng chiến đấu thì rất hăng, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, xóm làng. Đó là hình ảnh quân Giải phóng với chúng tôi! Trước khi rời bưng biền vào đầu năm 1965, chúng tôi đã theo dõi trận Bình Giã kết thúc giai đoạn chiến tranh đặc biệt. Trận đánh kéo dài một tháng, chúng tôi theo dõi từ Bộ Tổng tham mưu trở xuống, chứng kiến quân Mỹ Sài Gòn thua to. Chiến lược của Mặt trận giải phóng miền Nam rất thông minh. Không nhiều vũ khí, lực lượng quân sự yếu, mặt trận đã thực hiện một chiến lược chính trị-quân sự. Tôi phải nói thêm là: phụ nữ không phải chỉ là mẹ chiến sĩ, có người trực tiếp cầm súng. Nhưng đa số “đội quân tóc dài” là mẹ chiến sĩ. Trên thế giới, tôi chưa từng gặp đội quân kiểu này! Cảm động nhất là các bà chấp nhận tôi vào hàng ngũ của các bà. Đó là danh vọng cao nhất đời tôi, vì Đội quân tóc dài làm công tác chính trị không cần vũ khí, mà tôi là nhà báo cũng không cầm vũ khí. Thí dụ, có một vụ ném bom, hôm sau lập tức xuất hiện hàng trăm phụ nữ quấn khăn tang trắng hay đen, mặc quần áo đen, ẵm em nhỏ, chở người chết hay bị thương, đi hỏi tội người Mỹ và quân đội Sài Gòn. Hành động như vậy phải can đảm lắm! Xưa kia, hồi chống Đức, có lần tôi đã tham gia gần giống như vậy. Nhưng quả thật kinh khủng! Tiến lên khi các mũi súng liên thanh chĩa vào mặt vào đầu mình. Thường thì chúng không dám bắn. Nhưng biết đâu đấy!...
Đội quân tóc dài còn có nhiệm vụ khác: tiếp tế cho bộ đội, biểu tình. Các bà có nhiệm vụ lớn là thuyết phục lính đối phương để họ đào ngũ…”.
Hữu Ngọc