Hà Nội

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách dạy con vào lớp 1

03-03-2015 15:27 | Đời sống
google news

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ với các bậc phụ huynh những kinh nghiệm khi chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ với các bậc phụ huynh những kinh nghiệm khi chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Dù chưa kết thúc năm học nhưng nhiều phụ huynh đã liên tục nhắn tin cho chị Phan Hồ Điệp – mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam để hỏi về cách chuẩn bị cho con khi chuẩn bị vào lớp 1.

Để giúp cho các phụ huynh, chị Điệp (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ chính kinh nghiệm bản thân trong quá trình chuẩn bị cho Nhật Nam vào lớp 1.

Xin giới thiệu những kinh nghiệm dạy con đầy bổ ích của chị Phan Hồ Điệp.

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của bé Nhật Nam chia sẻ cách dạy con khi
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của bé Nhật Nam chia sẻ cách dạy con khi vào lớp 1

Chào lớp 1

Chuẩn bị những kĩ năng tiền học đường

Như đã nói từ trước, tôi áp dụng Giáo dục sớm nhưng tôi không ủng hộ việc “tiểu học hóa” cho con, tức là, không mong muốn dạy con sớm biết đọc, biết viết. Khoảng thời gian Nam 5 tuổi, tôi tập trung dạy con những kĩ năng tiền học đường, bao gồm:

Dạy con cách quan sát: Tôi cho rằng, quan sát tốt sẽ rất có lợi trong việc phát triển tư duy nên tôi kiên trì dạy Nam quan sát từ khi còn nhỏ. Sang đến 5 tuổi, việc quan sát trở nên có tính mục đích hơn, được giao thành những nhiệm vụ cụ thể.

Ví dụ, khi cho Nam đi chơi công viên, tôi đố Nam tìm những loại hoa mọc trong bãi cỏ xem chúng thế nào, tôi chỉ vào những cây dây leo bám trên cây cổ thụ hỏi Nam xem chúng sống được là nhờ đâu. Những gì Nam quan sát được về nhà tôi tiếp tục giải thích cho Nam thông qua sách vở và nhờ sự trợ giúp của bác Gúc (Google).

Không chỉ quan sát thiên nhiên, tôi hướng dẫn Nam quan sát những hành vi, những hoạt động của mọi người xung quanh, chỉ cho Nam thấy đâu là những việc làm tốt, những việc làm nào chưa tốt….

Việc quan sát còn được thực hiện trên sách vở, ví dụ cho Nam quan sát để tìm điểm khác biệt, để nhận xét…

Với mong muốn kết hợp giữa kĩ năng quan sát và phát triển ngôn ngữ, tôi thường thực hiện quan sát theo một quá trình, bao gồm: Nêu nhiệm vụ (mục đích quan sát), hướng dẫn cách quan sát, đặt câu hỏi, kể lại thật hấp dẫn những điều đã quan sát được.

Cách làm đó khiến cho việc quan sát như một môn học, tất nhiên, ngoài “giờ học” đó con có thể quan sát bất cứ việc gì con thích và kể lại cho mẹ nghe.

Hôm trước đọc FB của một mẹ nào đó có nói về việc cho con quan sát cái bắp cải và tại sao các lá bắp cải lại cuộn vào nhau, lá ngoài cùng có màu xanh đậm hơn các lá bên trong, tôi thấy rất thú vị.

Và tôi cho rằng, những điều quan sát đó sẽ giúp các bé sống chan hòa với thiên nhiên, với mọi người và sẵn sàng những trải nghiệm để bước vào lớp 1.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày càng trưởng thành

Dạy con khả năng tập trung: Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập nên để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật khó khăn đối với các bé. Tôi giúp Nam luyện tập sự tập trung, ban đầu là dưới dạng trò chơi. Những trò chơi này, Nam đều nhớ và ghi lại trong các cuốn tự truyện của tôi.

Phổ biến nhất là trò: Cho sóc vào trong hang. Hai chân Nam được bố lồng trong cái bao tải, gọi là “nhốt sóc”, sau đó sẽ giao một nhiệm vụ gì đó cho Nam thực hiện.

Nam sẽ làm theo đúng thời gian quy định. Nếu trong khoảng thời gian đó, Nam không ngọ nguậy, không xin đi lại, và làm đúng nhiệm vụ được giao, thì Nam sẽ thắng. Cứ thế, dần dần tăng thời gian “nhốt sóc”.

Khi Nam đã có thói quen ngồi tập trung, tôi bắt đầu nghĩ ra những nhiệm vụ mà Nam thấy hứng thú nhất và không cần nhìn vào đồng hồ như trước nữa. Tôi để Nam làm tự do.

Khi Nam kết thúc công việc, tôi tính giờ và nói xem Nam đã ngồi tập trung được trong bao lâu. Nam rất hứng thú với kết quả được tăng dần theo mỗi ngày.

Ngay cả quá trình chơi, tôi cũng hướng Nam đến việc tập trung chơi một thứ đồ chơi trong một khoảng thời gian nhất định. Tất nhiên là chơi bao giờ cũng dễ hơn học.

Dạy con cách ngồi học đúng tư thế: Tôi cho rằng đây là điều hết sức quan trọng. Ngồi học đúng tư thế không chỉ giúp cho các bé học hiệu quả hơn mà còn giữ gìn đôi mắt. Nam đọc nhiều, dùng máy tính cũng nhiều nhưng thị lực luôn đạt 10/10, có lẽ vì Nam ngồi học đúng tư thế.

Tôi treo một bảng dạy tư thế ngồi đúng, tư thế cầm bút trước bàn học của Nam và kiên trì rèn theo tấm bảng đó. Cứ ngồi vào bàn là ngồi theo đúng cách, kể cả để vẽ hay tô màu.

Tôi cùng thường “thị phạm” cho Nam cách ngồi đúng hoặc cùng Nam chơi trò chơi như: Một người đếm 1,2,3, người kia phải ngồi ngay vào bàn và theo đúng tư thế, nếu ai làm chậm hoặc ngồi không đúng là sẽ thua.

Dạy con các kĩ năng giao tiếp: Khi đến trường, để trẻ hòa nhập tốt, trẻ phải có các kĩ năng giao tiếp. Tôi dạy Nam cách nói lời cảm ơn, xin lỗi, cách giới thiệu bản thân, cách bày tỏ những ý kiến của tôi…

Tất cả những điều này phải làm thường xuyên theo từng ngày và thực hành ngay để dễ ghi nhớ.

Dạy con cách làm việc nhóm: Tôi thường rủ Nam chơi các trò chơi với các bạn gấu, thỏ… trong đó mỗi hôm một bạn sẽ giao nhiệm vụ gì đó và “cả nhóm” cùng hoàn thành. Có hôm Nam là người chủ trì nhưng cũng có hôm “bạn Gấu” giao nhiệm vụ.

Qua đó, tôi hướng dẫn Nam cách nêu nhiệm vụ, cách thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả. Thực tế khi tôi đi dạy học có nhiều bé rất thông minh nhưng không hợp tác với bạn nên bé cũng gặp những khó khăn trong công việc.

Tôi cũng thường xuyên cho con tham gia chơi với các nhóm bạn, lặng lẽ quan sát ghi nhận những khó khăn cũng như những ưu điểm của con khi chơi để góp ý cho con.

Dạy con “chơi” với các con chữ: Chỉ là “chơi”với các con chữ thôi chứ không phải dạy đọc đâu. Tôi cho Nam nhận biết các chữ cái ở ba kiểu viết thường, viết in hoa, viết nghiêng.

Tôi cho con chơi nặn các chữ cái, đặc biệt là nặn để ghép tên của tôi (nhận biết và thể hiện được tên tôi giống như cho con hình thành “cái tôi” của tôi vậy).

Tôi dạy con biết cách cầm sách, dạy con học thuộc lòng những đoạn thơ, đoạn văn ngắn. Dạy con phân biệt hướng của các con chữ (phải, trái, trên, dưới), dạy một số nét cơ bản (nét khuyết, nét móc, nét thẳng, nét cong, nét móc hai đầu), chơi trò chơi đánh vần…

Dạy con cách cảm nhận: Thông thường việc này gắn liền với quá trình quan sát nhưng để mọi người dễ theo dõi, tôi tách riêng. Tôi dạy Nam cảm nhận cái hay, cái đẹp của một câu thơ, một đoạn thơ hay một cảnh sắc thiên nhiên mà Nam quan sát được.

Tôi hay cho Nam học thuộc lòng một đoạn thơ ngắn rồi giải thích các câu chữ trong đó cho Nam thấy cái hay của nó.

Ban đầu rất đơn giản như kiểu: Trong bài Buổi sáng nhà em có câu: Mụ gà cục tác như điên/ Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi. Tôi giải thích: Gà mái hay kêu ầm ĩ như một bà lắm lời nên gọi mà “mụ” còn gà trống hay kêu ó o, hệt một đứa trẻ nên gọi là “thằng”, chao ôi thật là một buổi sáng rộn rã và vui tươi. Cũng có khi cho Nam cảm nhận sâu sắc hơn.

Ví dụ, trong bài Nói với em (Vũ Quần Phương), khổ nào cũng bắt đầu bằng “nhắm mắt”. Nhắm mắt để “nhìn”, để nghe rõ hơn. Nhưng ở khổ cuối thì nhắm mắt rồi lại mở mắt ra ngay là bởi nhắm mắt để nghĩ. Nghĩ về công ơn cha mẹ, thấy cha mẹ vất vả vì tôi nên không thể “nhắm mắt” được mà mong muốn “mở mắt” để làm việc gì đó giúp đỡ cha mẹ. Đấy việc cảm thụ cứ tăng dần độ khó như thế.

Tôi cũng cho Nam cảm nhận về cuộc sống xung quanh. Có lần tôi để ý cứ 4h30 sáng là có người lao công đi quét đường. Tôi dậy sớm, thu âm thanh quét đường và ghi thời gian đó, sau đó cho Nam nghe và để Nam nói cảm nhận của tôi.

Có một điều tôi cũng cần nói thêm là đừng “định hướng” cảm nhận của con, chỉ khi nào con “bí” mới giúp đỡ còn lại cứ để con tự do nói lên suy nghĩ của tôi. Có khi chỉ cần đứng trước ba bông hoa có màu khác nhau cũng có thể là “cảm hứng” cho một giờ học về cảm nhận được rồi.

Chuẩn bị tâm lý đến trường

Việc chuẩn bị một tâm lý thoải mái để trẻ đến trường sẽ giúp trẻ xóa tan những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu. Tôi đã giúp Nam làm việc này như sau:

Nói chuyện về trường học: Tôi nói chuyện với Nam vào buổi tối, khi hai mẹ con đi dạo hoặc trước khi lên giường đi ngủ.

Tôi nói về những quy định, những điều khác biệt ở trường tiểu học, những quy tắc mà mỗi học sinh phải thực hiện, những niềm vui có được khi đến trường. Trong đó nhấn mạnh đến việc “khám phá”. Con sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ, biết đọc, biết viết.

Con có thể đọc cho mẹ nghe truyện, không cần nhờ ai đọc nữa. Con có thể viết thư cho mẹ mỗi khi mẹ đi xa… Nói chung tôi không “tô hồng” là trường học tuyệt vời, trường học đẹp, trường học hấp dẫn mà tôi chỉ nói những điều liên quan đến bản thân Nam. Nam sẽ có được những thú vị gì khi đi học, về niềm vui của Nam khi khôn lớn, về niềm vui của bố mẹ khi chứng kiến sự trưởng thành của Nam.

Cùng Nam làm thời khóa biểu, trang trí bàn học, chuẩn bị sách vở… Những việc này giúp Nam có tâm lý phấn khởi, cảm thấy việc đi học là một sự kiện “trọng đại”.

Chơi trò chơi: Cơ mà. Chả là Nam hay bắt đầu hỏi mẹ bằng câu hỏi: Cơ mà… nên tôi nghĩ ra trò chơi này. Đó là Nam có thể nghĩ ra mọi câu hỏi về trường học bắt đầu bằng “cơ mà”.

Ví dụ: Cơ mà em muốn đi vệ sinh thì em làm thế nào? Cơ mà có bạn không thích chơi với em thì sao? Cơ mà cô phạt thì sao? Cơ mà khi cô gọi mà em không đọc được? Cơ mà em viết xấu... Nói chung là hàng trăm cái “cơ mà” nhiều khi rất buồn cười.

Trước mỗi cái “cơ mà”, tôi đều nghĩ cách giải thích cặn kẽ bởi thực ra đó là hình thức giúp Nam giải quyết các tình huống học đường có thể gặp phải. Trò chơi “cơ mà” này còn áp dụng ngay cả khi Nam đã đi học. Bây giờ thỉnh thoảng hai mẹ con vẫn chơi, nhưng mà là tôi đặt câu hỏi (vì có nhiều điều bây giờ cần “tìm hiểu”về bạn ấy quá).

Chơi các trò chơi về lớp học: Tôi thường đóng vai cô giáo còn Nam làm học sinh. Tôi sẽ dạy Nam một điều gì đó, Nam sẽ học cách giơ tay phát biểu, cách trình bày vấn đề… Cũng có khi Nam là giáo viên còn tôi là học trò.

Chà, tôi định viết thêm về việc chọn trường, việc nói chuyện và giải quyết những tình huống khi ngày đầu con đến lớp nhưng nhìn lại có vẻ dài quá rồi, hẹn mọi người lần sau vậy.

Có một điều tôi cần nói, đó là, con cái chính là sự phóng chiếu của cha mẹ. Nếu trước khi con đi học mà bạn cứ nói rằng cô giáo này tốt hơn cô giáo kia, trường này tốt hơn trường kia, rồi chuyện đi học thêm, chuyện con bạn A, bạn B đã đọc và làm toán vèo vèo… thì sẽ tạo một tâm lý không tốt cho con của tôi. Hãy đón nhận mọi điều bằng sự bình tâm, thoải mái, và con bạn sẽ cảm nhận được điều đó.

 


Ý kiến của bạn