Vận động viên Nguyễn Thị Oanh liên tiếp giành 3 HCV SEA Games 32 (nội dung 1.500m, 5.000m và vượt rào 3.000m của nữ) cho điền kinh Việt Nam trong những ngày thi đấu vừa qua tại Campuchia đã gây bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Cô gái nhỏ bé chứng minh nghị lực và bản lĩnh của mình - người từng chiến đấu với bệnh tật để được sống với đam mê và chinh phục những điều phi thường.
Có mặt tại thôn Nhuần, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) vào chiều ngày 10/5, Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện ngắn với bà Nguyễn Thị Hưởng (69 tuổi) là mẹ ruột của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Bà cho biết, Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, là con thứ 7 trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em.
"Bén duyên với điền kinh ở độ tuổi 15 - cái tuổi không phải là sớm đối với một người tập luyện thể thao chuyên nghiệp, lại thêm chiều cao khiêm tốn 153cm và cân nặng chưa tới 40kg đã khiến Oanh suýt không được tuyển chọn vào đội tuyển điền kinh của tỉnh. Tuy nhiên, nhờ tinh thần luyện tập nghiêm túc, sự cố gắng không ngừng nghỉ, Oanh mới có được một vị trí ở đội tuyển điền kinh Bắc Giang.
Trong quá trình tập luyện ở đội điền kinh Bắc Giang, Oanh cũng đã được thử sức ở nhiều nội dung để rồi quyết định gắn bó với cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật - nội dung nhiều gian khổ và được đánh giá là không dành cho những người bình thường. Có những buổi tập khiến Oanh kiệt sức, không đi nổi, không ăn được hoặc ăn vào nôn ra vì vận động quá tải", bà Hưởng nhớ lại.
Mỗi khi cô con gái thứ 7 trong gia đình thi đấu, bố mẹ cô tạm gác lại mọi công việc ngồi trước tivi để trực tiếp theo dõi và cổ vũ. Đặc biệt, vào chiều ngày 9/5, Nguyễn Thị Oanh đã lập được kỳ tích giành 2 huy chương vàng liên tiếp trong vòng chưa đầy 30 phút. Chứng kiến khoảnh khắc đấy, niềm vui, phấn khởi vỡ òa khi con gái liên tiếp mang vinh quang về cho Tổ quốc.
"Khi biết Ban tổ chức bất ngờ đổi lịch thi đấu, đẩy 2 nội dung nữ 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật vào cùng một buổi, giờ xuất phát của 2 nội dung chỉ cách nhau 20 phút. Vừa chạy xong nội dung này chưa kịp thay quần áo đã chuyển sang chạy nội dung khác. Chúng tôi rất lo lắng, chỉ sợ con ngất khi đang chạy giống như kỳ SEA Games trước đây, may hôm đấy chạy xong lại không sao cả", bà Hưởng chia sẻ.
Trên tường ngôi nhà 3 gian cấp 4 lợp ngói được xây từ năm 2000, thứ khiến nhiều người khi vào nhà đều chú ý là rất nhiều bằng khen và cả một tủ kính treo tường đựng những huy chương của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã đạt được từ các giải đấu diễn ra ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Cẩn thận sắp xếp lại những tấm huy chương cho gọn gàng bà Hưởng nói, "ở trong kia đang còn rất nhiều huy chương và cả tập bằng khen nhưng tường nhà không còn chỗ trống nên không treo hết. Chưa kể, còn rất nhiều bằng khen và huy chương Oanh mang ra treo ở phòng trọ ngoài Hà Nội".
Con gái thi đấu quốc tế thành công, giành nhiều vinh quang về cho đất nước là điều gia đình luôn tự hào. Nhưng bên cạnh thành công của con gái, bố mẹ Oanh vẫn luôn canh cánh về thu nhập bấp bênh của con cũng như những khó khăn của gia đình.
"Đồng lương ít ỏi không đủ ăn, ngoài công việc của một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, Oanh còn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Bậc làm cha mẹ chỉ biết tôn trọng đam mê của con, chúng tôi không còn mong mỏi gì nhiều nữa, chỉ biết động viên con cố gắng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc", bà Hường tâm sự.
Xem thêm video được quan tâm:
Vì sao tòa tuyên y án với Nguyễn Kim Trung Thái trong khi có 2 tuần để nghị án?