Người Thái vẫn có câu "Không xòe, hoa không nở, cây lúa không trổ bông, cây ngô không ra bắp. Không xòe người không vui, trai gái không thành đôi".
Xòe là hình thức dân vũ tập thể, là nét sinh hoạt vui chơi của dân tộc Thái. Không kể già, trẻ, gái trai ai cũng có thể tham gia xòe. Khi tiếng trống, chiêng nổi lên như lời mời gọi, thúc giục, mọi người đều cùng nhau say sưa trong điệu xoè. Tay nắm tay, vai kề vai, nhẹ nhàng, uyển chuyển trong không khí ấm áp, bên ánh lửa bập bùng và ngây ngất trong men say rượu cần.
Múa xòe Thái của các cô gái dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La.
Người Thái là cộng đồng dân tộc lớn nhất của tỉnh Sơn La. Họ cư trú chủ yếu ở các vùng thung lũng, ven các con sông, suối lớn, ở hầu khắp 12 huyện, thành phố của tỉnh.
Đến với “Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” xuân Quý Mão 2023, các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái mang tới đây điệu xòe đặc trưng của tỉnh Sơn La như xòe nâng khăn mời rượu; Xòe bổ bốn; Xòe tiến lùi; Xòe tung khăn; Xòe vỗ tay múa vòng tròn.
Điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Điệu xòe thứ hai là điệu “Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Điệu xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu Tung khăn. Cùng với những chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vô bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.
Điệu xòe “Đổn hôn”, điệu xòe tiến lùi, lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Những động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt. Tiếp theo là điệu xòe “Khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Cho đến nay, hầu hết các cộng đồng người Thái tại địa bàn tỉnh Sơn La vẫn thường xuyên tổ chức múa xoè vào các dịp lễ, tết, các ngày hội văn hóa... Xòe Thái đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không chỉ riêng của cộng đồng người Thái mà còn của cả các dân tộc tỉnh Sơn La. Điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa uyển chuyển giữa non ngàn Sơn La.
Người Thái quan niệm rằng múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau cười vui để bớt sầu lo, để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe hoa.
Đến nay, nghệ thuật Xòe đã trở thành di sản, là biểu tượng của tình đoàn kết và sự kết tinh những kinh nghiệm sống, lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và là nơi gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe.
Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm tính dân tộc sâu sắc, khẳng định được bản sắc riêng có, không lẫn với dân tộc nào, đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội và được UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.