Câu nói "con trâu là đầu cơ nghiệp" vốn gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp từ bao đời nay ở Việt Nam. Hình ảnh con trâu còn tượng trưng cho mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ, no ấm...
Với đàn trâu của họa sĩ Phát, đó là sự thuận theo nhịp chảy điêu khắc hiện đại của thế giới hôm nay, nhưng vẫn hàm chứa trong nó cái nôm na, đáng yêu, khá gần gũi với sân đình, cổng làng đậm chất hồn Việt.
Nói về con đường sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Phát chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê xứ Đoài, ngay từ nhỏ tôi đã được theo ông nội đi vẽ tượng ở đền chùa nên chất truyền thống và niềm đam mê, yêu mến văn hóa cổ truyền đã in sâu vào trong tâm thức của mình, đặc biệt với chất liệu sơn mài đã theo tôi từ bé tới nay".
Gỗ và sơn mài không chỉ là nguyên liệu, phương tiện để làm ra dấu vết của mình. Nó còn khiến trâu của họa sĩ Phát bất chấp nắng mưa, "vênh váo" với sự khắc nghiệt của thời gian.
Và quan trọng hơn cả nó cho phép tác giả đối thoại với người thưởng lãm một cách vô cùng chân thực. Từ cảm giác gai gai trên đầu ngón tay tới từng nhát đục trên tác phẩm và cả sự mát rượi, mịn màng của những chi tiết hoa văn.
"Đàn" trâu gỗ của họa sĩ Phát rất "kiệm" chi tiết và tối giản trong cách tạo hình. Nhưng đó lại là kiểu tối giản vừa đủ cần thiết, đủ khoảng trống để sự bay bổng, mộc mạc, lãng mạn, hồn hậu bay lên.
Từ chủ đề mẫu tử, dáng trâu mẹ vồng cao như mái đình mái nhà hay ô cổng ôm trọn trâu con e ấp vỗ về hay những ô cửa ôm trọn trâu con với hình dáng vo tròn như một quả trứng, khi trâu mẹ như những chiếc gùi chứa đựng trâu con trên lưng... một ý niệm như là một bệ đỡ một nền tảng để trâu con phát triển.
Với lối tạo hình liền mạch luôn được họa sĩ Phát thể hiện trong cách tác phẩm trâu mẫu tử, trâu con luôn đặt trọn trong trâu mẹ nhưng khi cần lại được bố cục xoay quanh một cách linh hoạt với tâm niệm tình mẫu tử khăng khít sự chở che và nương tựa.
"Đàn" trâu gỗ của họa sĩ Tấn Phát đã để cho công chúng nhớ và ấn tượng với nhiều tác phẩm ngay từ lần đầu tiên chiêm ngưỡng như tác phẩm Trâu Cổng Làng vững chãi thân thuộc với hình ảnh của mái nhà trên lưng, thoáng nhìn đã thấy được cái chân chất của làng quê đồng bằng Bắc Bộ hay Trâu Lạc Việt là hình ảnh của cánh chim Lạc đan xen với các họa tiết trên mặt trống đồng. Trâu Hóa Rồng là sản phẩm gửi gắm khát khao về một cuộc sống thịnh vượng.
Qua góc nhìn mới của gã mục đồng xứ Đoài, "đàn" trâu gỗ đã để lại cho công chúng ấn tượng với nhiều tác phẩm độc đáo ngay từ lần đầu tiên ngắm nhìn.