Mê mẩn, nhãn lồng Hưng Yên!

08-10-2016 08:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhãn lồng đã trở thành một “thương hiệu” độc quyền mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên. Nghe câu ca “Dù ai buôn Bắc bán Đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”, chợt nhớ, giờ này người dân đang hái nhãn bán cho du khách bốn phương...

Nhãn Hưng Yên là sản vật quý để tiến vua. Nhãn được trồng ở nhiều nơi trên đất nước nhưng lại “bén duyên” với mảnh đất Hưng Yên bởi đặc sản nơi đây sai trĩu quả, khi chín hương thơm lan tỏa khắp đất trời.

Nhãn trổ hoa vào đúng mùa xuân, những ngày có cả mưa phùn và lạnh. Nếu vào dịp có nắng ấm, hương thơm sẽ tỏa nhẹ thơm mát làm ngây ngất lòng người. Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, trong đó có những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng thổ nhưỡng nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon nổi tiếng mà không địa phương nào có được. Có lẽ Hưng Yên may mắn hơn cả vì giá trị và hương vị ngọt ngào hiếm có của những cây nhãn nơi đây đã trở thành quà tặng mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho mảnh đất này.

nhan long Hung Yen

Ở chùa Hiến có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là biểu tượng tinh thần của địa phương. Cây nhãn này đã được dựng bia ghi danh. Dân gian tương truyền xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua. Tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Thứ sản vật quý giá ấy nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các nhà thương lái đến xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản với số lượng lớn ở thế kỷ XVI - XVII. Nhà bác học Lê Quý Đôn ăn nhãn tiến vua mô tả: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Đến Hưng Yên vào mùa này, đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Hưng Yên như một vương quốc nhãn lồng với hàng ngàn cây trĩu quả. Những cây nhãn chín rộ nhuộm vàng một góc trời, dòng người tấp nập đổ về mua nhãn đông đúc, chật kín. Từng trái nhãn, vị nhãn đều đậm đà một hương vị khó quên, không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước. Bóc một lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà. Đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. Bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát. Người ta băn khoăn rằng những yếu tố vi lượng nào đã làm cho nhãn lồng nơi đây có hương vị đặc biệt khác hẳn nhãn ở những vùng đất khác? Chưa ai khám phá ra điều bí ẩn đó nhưng hãy thử đến phố Hiến vào mùa nhãn để cảm nhận điều đặc biệt ấy. Cùi nhãn trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt mát và thơm lạ lùng. Một vùng đất bạt ngàn nhãn, ong mà thiên nhiên ưu đãi cho Phố Hiến đã làm rung động trái tim người tha hương khi nghĩ tới quê mình.

Người Hưng Yên gắn bó với cây nhãn như máu thịt, ngoài vườn mỗi nhà phải có ít nhất một cây nhãn. Phòng tân hôn của cô gái lấy chồng xa thường có mười trái nhãn tươi, hoặc long nhãn mẹ chuẩn bị từ trước. Với ngụ ý chúc cho đôi trẻ được giàu sang phú quý và luôn nhớ về quê cha đất tổ. Những cô gái đẹp may mắn lấy được chồng quyền quý, giàu sang ngày đầu về nhà chồng thường trổ tài làm món chè sen long nhãn lấy lòng mẹ chồng. Hàng năm vào mùa nhãn, nhiều người con Hưng Yên xa, gần lại về thăm cây nhãn tiến vua xưa với tâm trạng thiêng của người hành hương về đất tổ. Mấy trăm năm trôi qua, gốc nhãn to cỡ nhiều người ôm đã bị mục, chỉ còn một nhánh con vẫn kiên cường sống, sai quả.

Để món chè ngon hơn tốt nhất hãy chọn nhãn lồng Hưng Yên với cùi dày, vị ngọt mát. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều loại nhãn khác nhau đã “mượn danh” nhãn lồng Hưng Yên để kiếm lợi. Do đó, nếu muốn mua được nhãn lồng Hưng Yên chính gốc hãy chọn nhãn bao bì của thương hiệu nổi tiếng để đảm bảo không có bất kỳ chất bảo quản hay hóa chất chống côn trùng nào nên quý khách có thể yên tâm khi sử dụng.

CHÈ NHÃN LỒNG - HẠT SEN
Từ lâu, hạt sen đã được biết đến với công dụng an thần và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Trong khi đó, nhãn là loại quả rất tốt cho hệ thần kinh. Vì thế, khi kết hợp 2 loại quả này càng làm tăng công năng của chúng.
che nhanChè nhãn lồng - hạt sen nổi tiếng Hưng Yên

Nhãn lồng Hưng Yên: 1kg l Hạt sen tươi: 500g l Đường: 500g l Đậu xanh nguyên hạt: 200g l Bột thơm vani: 1 muỗng nhỏ l Nhãn lồng: bóc bỏ vỏ sau đó dùng mũi nhọn của dao để tách hạt nhãn sao cho không làm rách miệng nhãn bởi nếu không sẽ không thể cho hạt sen vào giữa được l Hạt sen tươi: tách tim sen ra khỏi hạt để không bị đắng rồi rửa sạch và để ráo l Đậu xanh: ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút để loại bỏ những hạt đậu hỏng nổi lên trên. Sau đó, vớt hết phần đậu còn lại ra và để cho ráo nước.
- Cho đậu xanh vào 800ml nước và đun sôi trong 10 phút, sau đó cho hạt sen vào đun tiếp khoảng 25 phút nữa (nếu dùng hạt sen khô để nấu thì cho cả 2 vào nấu cùng một lúc).
- Khi thấy đậu xanh và hạt sen đều đã mềm, cho đường vào rồi tiếp tục đun sôi khoảng 10 phút nữa để đường ngấm vào hạt sen.
- Nhấc nồi xuống và vớt hạt sen ra để nguội rồi cho hạt sen vào trong phần cùi nhãn đã được tách hạt. Phần hạt sen còn thừa lại thả vào nồi.
- Thả cùi nhãn đã lồng hạt sen vào nồi và đun khoảng 3 phút là được. Chú ý không đun quá lâu bởi sẽ làm mất đi độ giòn, vị thanh của nhãn, đồng thời làm hạt sen đã lồng trong cùi nhãn bị tách ra.
- Cho thêm một chút bột thơm vani vào để tăng thêm độ hấp dẫn của món chè.


NGUYỄN HÙNG - DUY THỦY
Ý kiến của bạn