Mẹ lơ đễnh trong lúc cho con ăn chuối, bé 8 tháng tuổi ngừng thở vì sặc

30-01-2019 10:06 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng cho biết, bệnh viện này vừa cấp cứu trường hợp bệnh nhi 8 tháng tuổi bị hóc chuối và lên cơn sặc, ngừng thở. Rất may cháu bé được cấp cứu kịp thời nên đã được cứu sống.

Cháu bé là tên là Đỗ Phúc Nguyên, SN 07/05/2018, là con chị Lê Thị Xanh (40 tuổi, ở 35/422 Đồng Hòa, quận Kiến An, Hải Phòng). Theo lời kể của gia đình, trong lúc cho con ăn chuối người mẹ quay sang làm việc khác nên quên mất đang cho con ăn, bé đã tự lấy tay bốc chuối ăn và lên cơ sặc, giẫy giụa. Chị Xanh quay lại thấy con toàn thân tím tái, ngừng thở. Quá hoảng sợ, chị Xanh vừa ôm con vừa chạy thật nhanh vào Khoa cấp cứu của BV Trẻ em Hải Phòng cấp cứu.

Bác sĩ Dương Văn Đoàn - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Trẻ em Hải Phòng cho biết, bệnh nhi nhập viện chiều 28/1 trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim. Ngay lúc đó, bác sĩ trực tại Khoa cấp cứu đã phát lệnh báo động đỏ toàn diện vì đây là ca bệnh tối khẩn cấp, tập trung đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu tim phổi tại chỗ cứu sống cháu bé. Vài phút sau, tim bé Nguyên đã đập trở lại, cả ê kíp tạm thở phào.

Sau đó, bệnh nhân được thở máy 1 ngày. Chiều 29/1  bệnh nhân Nguyên đã được nội soi kiểm tra để hút các bọt của dị vật còn sót ra ngoài. Hiện, thể trạng sức khỏe bệnh nhân Nguyên đã được cải thiện, cai được máy thở. Với tiến triển này, bệnh nhân Nguyên sẽ được xuất viện trước Tết.

Bé Nguyên đã qua cơ nguy kịch (ảnh BVCC)

Bác sĩ Đoàn cũng nhắn nhủ, qua sự việc trên, các bà mẹ, người thân khi chăm trẻ cần tập trung quan tâm, giám sát con phòng tránh những rủi ro, sự cố ngoài ý muốn như trường hợp bé 8 tháng tuổi nói trên. B

Trước đó,  các bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng cũng đã cấp cứu rất nhiều trường hợp trẻ em bị hóc dị vật như  xương cá, đầu cắm sạc điệnt hoại, hạt na…có trường hợp đến viện đã suy hô hấp độ 2.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi trẻ hóc dị vật sẽ có biểu hiện tím tái, ho sặc sụa, có thể bị ngừng thở nếu dị vật làm bít đường thở. Khi gặp dị vật đường thở, nhất là đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần bình tĩnh, tránh kích thích trẻ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không được để trẻ nhỏ chơi hoặc cầm các đồ vật có nhiều chi tiết nhỏ, và khi chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng.

Xử trí dị vật đường thở ở trẻ em

Phụ huynh phải thật bình tĩnh để nhận định có phải trẻ bị hóc sặc dị vật đường thở không? Nếu nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí sơ cứu không để trẻ ngạt thở.

Nếu trẻ nói được, khóc được cần đưa trẻ đến ngay đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và gắp dị vật ra.

Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.

Sơ cứu đúng cách

Để có thể tống xuất dị vật ra khỏi đường thở phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp sau:

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:

Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái và giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Dùng gót tay phải vỗ năm cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh năm cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú một khoát ngón tay.

Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 - 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Với trẻ lớn, người lớn, dùng thủ thuật Heimlich:

Trẻ còn tỉnh: đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức phía trên rốn. Ấn năm cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.

Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Nếu việc sơ cứu tống xuất dị vật khỏi đường thở không đạt kết quả, phụ huynh phải tìm cách đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để soi gắp dị vật.


Thiên Đức
Ý kiến của bạn