Mẹ khéo, con khỏe

05-03-2014 06:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Nuôi con khỏe, phát triển cân đối, ít bị mắc bệnh là điều các bậc cha mẹ đều mong muốn, nhưng không phải bà mẹ nào cũng có những kiến thức về ăn uống, chăm sóc trẻ.

Nuôi con khỏe, phát triển cân đối, ít bị mắc bệnh là điều các bậc cha mẹ đều mong muốn, nhưng không phải bà mẹ nào cũng có những kiến thức về ăn uống, chăm sóc trẻ. Nội dung dưới đây hy vọng sẽ là những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng giúp bà mẹ nuôi con khỏe.

Muốn tăng cân cần cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng: Cơ thể con người như một cỗ máy cần có nhiên liệu đó là năng lượng, nhiên liệu là thức ăn dưới dạng lipid, glucid, protein. Năng lượng cần thiết cho hoạt động các chức phận bên trong cơ thể (chuyển hóa cơ bản) và các hoạt động khác (lao động, học tập, vui chơi...).  Nhu cầu năng lượng cho trẻ em gồm năng lượng cho chuyển hóa, tiêu hóa thức ăn và cho sự tăng trưởng, tính theo trọng lượng cơ thể cao hơn so với người lớn.

Bà mẹ cần bổ sung đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ.

Bà mẹ cần bổ sung đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ.

Năng lượng cần được cung cấp đủ qua bữa ăn của trẻ gồm chất bột (bột gạo, ngô), cháo, cơm (đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần, chiếm 50-60% nhu cầu năng lượng), chất đạm, chất béo ngoài vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển cơ thể cũng có vai trò cung cấp năng lượng. 1g  glucid  (bột, đường) cung cấp 4Kcalo, 1g protein (đạm) - 4,1Kcalo, 1g lipid (béo) - 9Kcalo.

Chất đạm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nếu thiếu đạm trẻ sẽ còi cọc chậm lớn. Nguồn cung cấp chất đạm tốt nhất là các loại đạm có nguồn gốc động vật như: thịt, trứng, sữa, cá, tôm... vì chúng có giá trị sinh học cao, chứa đầy đủ các acid amin thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển. Chất đạm rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ nhưng nếu cho ăn nhiều quá cũng không tốt, vì trong cơ thể đạm chuyển hóa thành urê thải qua nước tiểu gây gánh nặng cho thận, mặt khác trong quá trình tiêu hoá đạm tạo ra nhiều sản phẩm thối rữa, độc hại, ăn nhiều đạm cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Trẻ 6-7 tháng, khi đã ăn bổ sung, mỗi ngày  chỉ cần ăn khoảng 20-30g (thịt hoặc cá, tôm). Nếu ăn trứng chỉ cần 1/2 lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng chim cút. Trẻ 8-10 tháng 60-80g/ngày hoặc 1 lòng đỏ trứng gà/bữa, tuần ăn 3-4 bữa... Trẻ 1-2 tuổi 100-120g/ngày. Trẻ 2-3 tuổi 120-150g/ngày. Trẻ 3-5 tuổi 200g/ngày. Nhu cầu chất đạm chiếm 12-14% nhu cầu năng lượng một ngày.

Chất béo: (lipid) dầu mỡ vừa cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ăn ngon miệng lại giúp hấp thu tốt các loại vitamin tan trong dầu: vitamin A, D, K, E rất cần thiết đối với trẻ em. Trong bữa ăn của trẻ nên cho ăn cả mỡ và dầu, nhất là mỡ gia cầm như mỡ gà có chứa nhiều loại acid béo chưa no cần thiết như acid béo linoleic cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, nhất là não bộ. Mỗi bữa ăn trẻ cần 1-2 thìa cà phê (5-10ml) dầu hoặc mỡ, khoảng 20-40g/ngày. Trẻ càng nhỏ nhu cầu về chất béo so với % năng lượng càng cao.Trẻ < 6 tháng tuổi: chất béo chiếm 50% nhu cầu năng lượng. Trẻ 6-12 tháng tuổi: 40 - 45% nhu cầu năng lượng. Trẻ 1- 3 tuổi: 35-40%. Trẻ 4-10 tuổi: 30%.

(Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng)

(Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng)

Với trẻ trong 6 tháng đầu, nguồn cung cấp năng lượng chính là sữa mẹ. Trong 100ml sữa mẹ cung cấp  61Kcalo, 88,3g nước, 1,5g protein, 3g lipid và 7g glucid. Giai đoạn này trẻ chỉ cần bú sữa mẹ hoàn toàn, ngoài cung cấp năng lượng, sữa mẹ có đầy đủ lượng nước và các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, béo, vitamin và chất khoáng với tỷ lệ cân đối, thích hợp cho tiêu hóa, hấp thu. Trẻ bú sữa mẹ sẽ khỏe mạnh phát triển toàn diện. Trong những trường hợp mẹ thiếu sữa hoặc bé không được bú sữa mẹ phải dùng sữa ngoài (sữa công thức) thì cần cho trẻ ăn đủ lượng sữa trong từng bữa bú và đủ số lần ăn trong ngày. Trường hợp bé bú ít thì tăng số bữa bú sao cho tổng lượng sữa ăn trong ngày phải đạt được lượng calo theo  tháng tuổi như vậy trẻ mới tăng cân. Trung bình 6 tháng đầu mỗi tháng  trẻ tăng 500-600g. Ngoài 6 tháng, do trẻ phát triển nhanh, vận động nhiều do đó nhu cầu năng lượng cao hơn, để đáp ứng nhu cầu, ngoài bú mẹ trẻ cần được ăn bổ sung thêm. Cụ thể các bữa ăn của trẻ như sau:

- Trẻ 6-7 tháng: bú mẹ là chính 1 bữa bột và nước quả.

- Trẻ 8-9 tháng: bú mẹ 2-3 bữa bột đặc nước hoa quả hoặc quả nghiền.

- Trẻ 10-12 tháng: bú mẹ 3-4 bữa  bột đặc hoa quả nghiền.

- Trẻ 1-2 tuổi ngày ăn 5 bữa: 3 bữa chính là cháo và 2 bữa phụ và vẫn cần được bú sữa mẹ.

Trong trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ cần cho trẻ uống thêm 500ml sữa ngoài, là sữa công thức, sữa chua, váng sữa, sữa đậu nành.

- Trẻ 2-3 tuổi: giai đoạn này trẻ đã có đủ răng vì vậy có thể tập cho trẻ ăn cơm, ngoài các bữa cơm, trẻ cần ăn thêm 2-3 bữa ăn phụ như cháo, súp, bún, phở và uống 400- 500ml sữa. Các thức ăn của trẻ nên băm nhỏ, xay nhỏ.

Năng lượng của trẻ tiêu hao nhiều trong những trường hợp như ở một số trẻ tăng chuyển hóa cơ bản, ở những trẻ quá hiếu động hoặc trong mùa hè trẻ vận động ra nhiều mồ hôi mất nước, cũng như trong trường hợp trẻ bị sốt. Lúc này cần cho trẻ ăn thêm bữa, nhất là tăng thêm các bữa phụ, cho ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, bún, phở và uống thêm sữa, hoa quả chín.

Do cơ thể trẻ đang lớn và phát triển, vì vậy sự tăng cân đều đặn hàng tháng là thước đo để biết bữa ăn có cung cấp đủ năng lượng đáp  ứng nhu cầu “lớn” của trẻ. Nếu bữa ăn đủ năng lượng và đủ chất trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, nếu thiếu trẻ sẽ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, còi  xương, thiếu máu, còi cọc. Nếu thừa sẽ đưa đến tình trạng thừa cân, béo phì.

Bởi vậy, các bà mẹ cần có kiến thức, hiểu biết để cho con ăn uống đúng và đủ là điều rất quan trọng để trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, thông minh, khỏe mạnh.          

   TS.BS. Cao Thị Hậu

 


Ý kiến của bạn