Mê hồn trận... hàng nhái, hàng giả

08-12-2011 10:22 | Thời sự
google news

Theo cảnh báo của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hiện nay hàng giả, hàng nhái vào Việt Nam từ nhiều nguồn chứ không chỉ tập trung từ Trung Quốc.

Theo cảnh báo của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hiện nay hàng giả, hàng nhái vào Việt Nam từ nhiều nguồn chứ không chỉ tập trung từ Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, nhiều hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bị phát hiện và bắt giữ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như thuốc giả, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…

90% hàng nhập lậu là hàng giả

Chỉ trong năm 2011, số vụ hàng hóa vi phạm quyền SHTT bị lực lượng hải quan bắt giữ và xử lý tăng gấp đôi so với năm 2010, trong đó có 14.400 chai rượu; 11.439 mũ bảo hiểm; 1.320 bàn là các loại; 95.000 bao thuốc lá; 1.691 điện thoại di động… ngay cả mặt hàng thuốc cũng bị thu giữ và phát hiện với gần 3.000 viên thuốc viagra, 216 viên thuốc cialis… Ngoài ra, theo ông Trần Việt Hưng - Đội phó Đội Kiểm soát bảo vệ quyền SHTT - Cục Điều tra chống buôn lậu), số lượng hàng giả, hàng nhái thường được xé lẻ để vận chuyển nên rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý, đặc biệt ở khu vực biên giới có tới 90% hàng nhập lậu là hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền SHTT. Do việc xé lẻ vận chuyển nên mặc dù các lực lượng khác như công an, quản lý thị trường làm rất ráo riết nhưng không thể ngăn chặn hết, điều này đồng nghĩa với việc thẩm lậu một lượng lớn hàng vi phạm vào nội địa.

 Nhiều mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã bị hải quan thu giữ tại cửu khẩu. Nguồn: dddn.com.vn.

Điều nguy hiểm nhất là các mặt hàng nhái, hàng giả vi phạm quyền SHTT đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như thuốc giả, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Cũng theo cảnh báo từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hàng nhái, hàng giả vi phạm quyền SHTT được đưa về từ nhiều nguồn chứ không tập trung vào Trung Quốc, mà cả hàng nhập từ Nga, Singapore cũng không bảo đảm như trước đây. Điển hình như mặt hàng rượu nhập từ Nga, hải quan đã phát hiện ngoài việc vi phạm về nhãn mác, lô hàng rượu đó khi mang đi giám định chất lượng cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn.

“Phù phép” để biến hàng giả thành hàng chất lượng

Hiện nay hàng giả còn biến tướng dưới dạng hàng tạm nhập, tái xuất. Nhiều

doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài nhập hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, rồi bóc nhãn Trung Quốc dán nhãn Việt Nam vào. Sau khi được “phù phép”, các mặt hàng được xuất khẩu sang nước khác để hưởng ưu đãi thuế. Với những vụ này, chỉ lực lượng hải quan thì rất khó khăn trong việc phát hiện và phải nhờ đến nguồn tin cung cấp, kỹ năng nghiệp vụ mới có thể phát hiện được.

 Hàng giả, hàng nhái bị cơ quan chức năng phát hiện thu giữ.

Ngay cả khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, cơ quan hải quan cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ để xác định hàng giả từ phía DN. Thậm chí khi hải quan phát hiện giữ lô hàng nghi ngờ là hàng giả, chỉ có liên hệ với DN chủ nhãn hiệu bị nhái đến trực tiếp xác định xem có phải là hàng giả không mới xử lý được. Vì đa số hàng nhái những nhãn hiệu nước ngoài đều được làm giả rất tinh vi nên chỉ có chủ nhãn hiệu đó mới phát hiện chính xác được, nhưng DN cũng không đến để hỗ trợ hải quan xác nhận vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, còn các DN vi phạm thì bỏ của chạy lấy người khiến cơ quan chức năng khó xử lý kịp thời.

Trước thực trạng này, mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ về quy chế phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) nhằm xây dựng một nhịp cầu trao đổi thông tin, ngăn chặn thành công hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng DN và người tiêu dùng. Hy vọng, với sự phối hợp này, các vụ việc vi phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phanh phui và xử lý triệt để hơn. 

Đỗ Ngọc


Ý kiến của bạn