Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã phân tích 8 nghiên cứu bao gồm hơn 1,3 triệu trẻ em. Họ thấy rằng những trẻ có mẹ được kê đơn thuốc chữa trào ngược axit trong thai kỳ có nhiều hơn ít nhất 1/3 nguy cơ phải đi khám bác sĩ vì các triệu chứng bệnh hen.
Một số thuốc bao gồm Tagamet, Zantac, Prilosec, Nexium và Pepcid.
Theo TS Aziz Sheikh ở ĐH Edinburgh, Scotland, nghiên cứu này chỉ ra mối liên quan giữa khởi phát bệnh hen ở trẻ và sử dụng thuốc ức chế axit ở mẹ trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng mối liên quan này không chứng minh các thuốc này gây bệnh hen ở trẻ và cần có nghiên cứu thêm để tìm hiểu rõ hơn về mối liên quan này.
Các thuốc được gọi là các chất đối vận thụ thể H2 và các chất ức chế bơm protin có thể giúp điều trị trào ngược axit. Chúng được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai vì các nghiên cứu thấy rằng chúng không ảnh hưởng tới sự phát triển bào thai.
Theo Samantha Walker, GĐ chính sách và nghiên cứu tại Trung tâm Hen Anh, nghiên cứu này vẫn ở giai đoạn rất sớm và thai phụ nên dùng những thuốc cần thiết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và y tá.
Walker lưu ý các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết bản thân thuốc ợ nóng có góp phần vào sự phát triển bệnh hen ở trẻ hay không hoặc nó có phải là một yếu tố phổ biến mà chúng ta vẫn chưa biết gây cả ợ nóng ở phụ nữ mang thai và bệnh hen ở trẻ em.
Các tác giả nghiên cứu khuyên phụ nữ mang thai tiếp tục thực hiện các hướng dẫn sử dụng thuốc theo yêu cầu và tư vấn bác sĩ hoặc y tá.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tờ Journal of Allergy and Clinical Immunology.