Hà Nội

Mẹ dùng nhiều điện thoại di động, trẻ dễ tăng động?

03-08-2017 10:02 | Đời sống
google news

SKĐS - Phụ nữ có thai là trường hợp rất nhạy cảm đối với mọi tác động từ bên ngoài. Việc sử dụng điện thoại di động là một yếu tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này đã các nhà khoa học đã nghiên cứu từ lâu. Một nghiên cứu mới đây đã cho biết, nếu trong thời kỳ mang thai, người mẹ thường xuyên sử dụng điện thoại di động thì đứa bé sinh ra có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi, trong đó điển hình nhất là tăng động.

Mẹ càng sử dụng nhiều điện thoại di động, con càng tăng động

TS. Laura Birks (Viện nghiên cứu Barcelona về sức khỏe toàn cầu Tây Ban Nha và Hiệp hội nghiên cứu dịch tễ và y tế công cộng Tây Ban Nha – CIBERESP) cùng các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu về hơn 80.000 cặp mẹ - con ở 5 quốc gia Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan và Hàn Quốc, tại nhiều thời điểm khác nhau (từ 1996 đến 2011). Họ tìm thấy bằng chứng nhất quán về việc gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi - đặc biệt là tăng động - ở trẻ 5-7 tuổi, tỷ lệ thuận với thời lượng người mẹ nói chuyện điện thoại di động trong thời kỳ mang thai.

Mẹ mang thai sử dụng điện thoại di động nhiều ảnh hưởng đến con sau này

TS. Laura Birks bày tỏ sự ngạc nhiên về kết quả này, bởi chưa có cơ chế sinh học nào có thể lý giải việc bức xạ điện thoại di động trong thai kỳ có thể gia tăng hoạt động quá mức ở trẻ. Theo các quả nghiên cứu thì ở những bà mẹ ghi nhận có ít nhất 4 cuộc điện thoại mỗi ngày, hoặc ở nhóm nói chuyện điện thoại di động trong hơn một giờ mỗi ngày, thì con họ có khả năng bị tăng động cao hơn 28% so với con của những bà mẹ được báo cáo là chỉ có một gọi hoặc không gọi điện thoại mỗi ngày. Đó là kết quả cuối cùng thu được sau khi các nhà nghiên cứu đã loại trừ một loạt các biến số gây nhiễu, như tuổi của người mẹ, tình trạng hôn nhân và giáo dục.

Kết quả này tương đồng với một nghiên cứu lớn tiến hành bởi giáo sư, tiến sĩ dịch tễ học Leeka Kheifets, Trường Y tế công cộng UCLA (Mỹ) và cộng sự, được công bố trên tạp chí Dịch tễ học và Y tế Cộng đồng trước đó. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về việc sử dụng điện thoại di động từ 28.745 trẻ 7 tuổi và mẹ của chúng trong nghiên cứu đoàn hệ ở Đan Mạch. Các bà mẹ cung cấp thông tin về lối sống bao gồm việc sử dụng điện thoại di động trong và sau khi mang thai. Họ cũng được phỏng vấn về thói quen sử dụng điện thoại di động của trẻ em và các vấn đề hành vi khi con của họ lên 7 tuổi. Kết quả cho thấy việc tiếp xúc với điện thoại di động trước và sau khi sinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề hành vi nhất định của trẻ, bao gồm tăng động, không chú ý và các vấn đề liên quan đến bạn bè.

Những cách lý giải về điện thoại di động ảnh hưởng đến hành vi của trẻ

Cả 2 nghiên cứu cũng có cùng điểm chung về việc chưa đủ dữ liệu để tìm ra cơ chế lý giải cho mối tương quan này. Giáo sư Leeka Kheifets nói: Tác động trực tiếp của sóng điện thoại lên thai nhi là rất nhỏ, khó có thể là nguyên nhân, do đó hiện chúng ta chưa rõ điện thoại di động ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của bào thai.

Trả lời về mối liên quan giữa việc sử dụng điện thoại di động trong thai kỳ và bất thường ở bào thai hay trẻ sơ sinh, GS.TS Tony Scialli, Giáo sư lâm sàng về Sản khoa và Phụ khoa tại Trường Y khoa Đại học George Washington (Mỹ) và là giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, cho biết: Trước đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu những ảnh hưởng có thể xảy ra của sóng năng lượng từ điện thoại di động và họ đã không thấy có mối liên hệ nào giữa sử dụng điện thoại di động và sự phát triển của bào thai hay kết cục của thời kỳ mang thai. Điện thoại di động sử dụng vi sóng (microwaves) hoặc sóng vô tuyến (radio) để truyền tải âm thanh và dữ liệu. Những sóng này tương tự như sóng ánh sáng nhìn thấy và mang năng lượng, nhưng với cường độ sử dụng trong điện thoại năng lượng đó chưa được chứng minh là có ảnh hưởng đến mô sống. Việc phát nhiệt trong quá trình sử dụng của điện thoại di động và smartphone cũng được cho rằng hoàn toàn khác với cách phát nhiệt của lò vi sóng hay sóng vô tuyến điện và không tiếp cận được với thai nhi.

Mặc dù vậy, TS. Devra Davis, người sáng lập tổ chức Environmental Health Trust và là tác giả của cuốn sách: “Ngưng kết nối: Sự thật về bức xạ điện thoại, những gì ngành công nghiệp che giấu và làm thế nào để bảo vệ gia đình bạn” có quan điểm riêng cho vấn đề này. Theo cô, phụ nữ có thai nên cẩn thận khi tiếp xúc với điện thoại di động vì nhiều lý do, chứ không phải chỉ bởi kết quả của các nghiên cứu trên. Chính các nhà sản xuất điện thoại cũng cảnh báo rằng phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc điện thoại với bụng họ. Không để điện thoại trên bụng, hoặc đeo trước ngực, nên sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài, và nếu phải nghe điện thoại trực tiếp, nên để điện thoại cách xa đầu trong những giây đầu tiên kết nối bởi thời điểm này, lượng bức xạ điện từ là cao nhất.

“Tốt nhất, hãy giữ an toàn hơn là chờ đợi lời xin lỗi" – TS. Devra khuyên. Mặc dù chúng ta không có nhiều dữ liệu, nhưng nếu bạn thông minh, bạn sẽ chẳng chờ đợi đến khi có đủ dữ liệu trước khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa đơn giản này. Và không chỉ phụ nữ mang thai cần chú ý đến lời khuyên này. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới để điện thoại di động trong túi quần liên tục cũng có thể gây hại đến tinh trùng.

GS.TS. Robin Hansen – chuyên khoa nhi tại Đại học California, Davis (Mỹ) cũng cho rằng: Kết quả của nghiên cứu đưa ra cho chúng ta nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Có điều gì đó liên quan đến điện thoại di động không? Nó có ảnh hưởng đến hành vi nuôi dạy con của bạn không? Đó là những vấn đề mà chưa thể trả lời bằng nghiên cứu này.

Là bác sĩ nhi khoa có nhiều kinh nghiệm trên trẻ em có vấn đề về hành vi, GS.Hansen có khuynh hướng phân tích phong cách, thói quen và tính cách của cha mẹ như một chìa khóa để giải thích việc sử dụng điện thoại di động của mẹ và tình trạng hiếu động quá mức ở trẻ.

Mẹ sử dụng quá nhiều điện thoại, con dễ hiếu động

GS.Hansen cho biết: Nguyên nhân đến từ tín hiệu điện tử đi xuyên qua não và cơ thể của bạn, hay nó thay đổi tương tác của bạn với đứa trẻ sau khi sinh? Các bác sĩ ở mọi nơi trên thế giới đều khuyên các bậc phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng điện thoại di động của con mình. Tuy nhiên, chính cha mẹ cũng cần hiểu rõ thời gian họ dành cho điện thoại làm họ xa con cái như thế nào.

Khi cha mẹ nhìn chằm chằm vào điện thoại và không đáp lại con cái, những đứa trẻ nhanh chóng tìm và phát triển cách thu hút sự chú ý của cha mẹ chúng. Trẻ sẽ nhanh chóng hiểu được rằng: Chúng phải khóc hoặc ném một cái gì đó hoặc tạo ra tiếng ồn, thì cha mẹ của chúng mới chuyển sự chú ý từ điện thoại di động sang chúng. Vì vậy, những gì chúng ta đang nhìn thấy chỉ là kết quả của việc trẻ em học cách làm ồn ào trong một nỗ lực để kéo cha mẹ của chúng quan tâm đến chúng nhiều hơn và tránh xa các thiết bị di động.


DS.Nguyễn Hải Đăng
Ý kiến của bạn