Mề đay, chớ xem thường!

27-08-2014 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Mề đay (còn gọi là bệnh mày đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới, vùng, miền.

Mề đay (còn gọi là bệnh mày đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới, vùng, miền. Bệnh mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm, tuy vậy, bệnh hay tái phát.

Khi nào xuất hiện mề đay?

Mề đay xảy ra do những chất gây dị ứng. Nó xuất hiện ban đỏ, phù nề và rất ngứa. Mề đay có thể là cấp tính (kéo dài ít hơn 6 tuần) hoặc mạn tính (kéo dài hơn 6 tuần). Có nhiều yếu tố gây bệnh mề đay như mề đay do tiếp xúc với thời tiết, môi trường lạnh; do ánh nắng; do kích thích cơ học; do phản vệ; do nước, do thuốc; do thực phẩm, do mệt mỏi, stress... Nói chung, đây là một phản ứng viêm của da, có cơ chế gây bệnh phức tạp, có nhiều yếu tố gây bệnh từ tác nhân bên trong đến bên ngoài cơ thể. Trên cùng một bệnh nhân, đôi khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp gây bệnh.

Bệnh nhân bị dị ứng khám bệnh tại Trung tâm Da liễu tỉnh Bình Định.

Bệnh nhân bị dị ứng khám bệnh tại Trung tâm Da liễu tỉnh Bình Định.

Dễ nhầm lẫn

Triệu chứng biểu hiện của bệnh mề đay rất dễ nhận biết, các biểu hiện chính đầu tiên xuất hiện là bệnh nhân bị ngứa ngáy khó chịu kèm theo các biểu hiện khác như: nóng rát, khi gãi nhiều có thể gây ra các tổn thương như xước da, mụn mủ bội nhiễm rất nguy hiểm. Sau đó là nổi các nốt sẩn phù - đây là tổn thương có giới hạn rõ rệt, tròn hoặc không đều, kích thước vài mm đến vài cm, vùng trung tâm có màu trắng, ngoại vi màu hồng nhạt, ấn vào có cảm giác căng. Có thể nổi sẩn ở một vùng giới hạn hoặc ở khắp cơ thể, có thể gây phù lớn, sau vài phút hoặc vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Vết sẩn có thể nổi ở chỗ này, lặn ở chỗ khác không định vị rõ. Tuy nhiên, bệnh mề đay có thể khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn với một loạt các bệnh ngoài da khác có ngứa như viêm da cơ địa dị ứng, dị ứng thuốc, viêm da tiếp xúc, côn trùng cắn, hồng ban đa dạng, vảy phấn đỏ chân lông... Tuy nhiên, các bác sĩ có kinh nghiệm có thể phân biệt mề đay với các bệnh khác vì biểu hiện tổn thương kèm theo rất ngứa và ấn kính vùng tổn thương nó chuyển thành màu trắng nhạt. Và đặc biệt là loại bệnh này lại rất khó phát hiện nguyên nhân - ngay cả khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm.

Tổn thương do mề đay.

Tổn thương do mề đay.

Không nên xem thường

Thông thường, khi nổi mề đay và sưng mạch gây ra những mảng đỏ khiến cho người bệnh ngứa ngáy khó chịu, vì thế, nhiều người dễ chủ quan. Tuy nhiên, nếu người bệnh không phát hiện được nguyên nhân và nếu cứ tiếp xúc với “dị nguyên” nhiều lần thì bệnh sẽ tái phát và những lần sau phản ứng của cơ thể sẽ dữ dội hơn. Bởi khi sưng mạch ở khí quản, vùng họng sẽ gây khó thở dẫn đến nghẹt thở. Một số trường hợp sử dụng thuốc đã bị sốc phản vệ mà tử vong.

Cần làm gì?

Đặc điểm của bệnh mề đay thường là hay tái phát, do vậy, để tránh tái phát thì người bệnh cần phải thật chú ý mới hy vọng giúp thầy thuốc tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh. Trước hết, người bệnh cần tìm nguyên nhân từ thực phẩm, thức uống, gia vị trong đó lưu ý nhất là đồ biển như: sò, nghêu, cua, ghẹ, cá biển. Các loại sôcôla, sữa, bơ, phó mát. Các loại rau quả (dưa gang, dưa tây, cà chua, dâu, kể cả hành, tỏi). Ngoài ra, các chất phụ gia cũng là yếu tố quan trọng (các loại men, giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm). Các loại thuốc dùng điều trị bệnh như: thuốc kháng sinh, các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau nhức xương khớp... cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Mặt khác, những người dễ bị nổi mề đay thường là có cơ địa nhạy cảm, do vậy, để phòng bệnh, cần lưu ý những điểm sau: Đối với nổi mề đay do lạnh, luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh. Phụ nữ khi sử dụng mỹ phẩm phải thận trọng, lựa chọn những loại mỹ phẩm thích hợp với loại da của mình. Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú... phải đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động. Cần giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế sự xâm nhập của các loại ký sinh trùng như bọ chét, chấy rận. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc đông - tây y mà không được hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Khi có biểu hiện kéo dài hoặc phù môi, sưng mặt hoặc khó thở, cần đến cơ sở y tế sớm để được cấp cứu.

Tại Hội thảo Cập nhật điều trị bệnh lý mề đay vô căn mạn tính và viêm mũi dị ứng tổ chức tháng 7/2014 tại Hà Nội, PGS. Trần Hậu Khang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 20% dân số mắc các bệnh dị ứng. Một trong những loại bệnh dị ứng da phổ biến là nổi mề đay. Mề đay là một phản ứng của mạch máu trên da với cơ chế phức tạp có liên quan đến chất histamin, đặc trưng bởi những dát có quầng đỏ chung quanh, thường xảy ra ở bệnh nhân có thể tạng dị ứng. Mề đay xảy ra là do sưng lớp bì nông với triệu chứng chính là ngứa da, nổi mẩn trên da. Theo các nghiên cứu, có đến 20% dân số bị mề đay ở một thời điểm nào đó trong đời.

BS. Phạm Thị Lan

 


Ý kiến của bạn