Hà Nội

Mề đay cấp và thuốc chữa

09-04-2019 09:35 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mề đay hay mày đay là một rối loạn phổ biến, ảnh hưởng tới 20 % dân số thế giới. Mặc dù bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.

Mề đay hay mày đay là một rối loạn phổ biến, ảnh hưởng tới 20 % dân số thế giới. Mặc dù bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn. Mề đay thường có yếu tố khởi phát, các tác nhân gây mề đay thường gặp là: thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng hay các nhiễm trùng, lông súc vật, bụi... Đa số các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân, đặc biệt trong mề đay mạn tính thì càng khó xác định. Việc điều trị mề đay cấp tính bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân.

Đặc điểm nhận dạng của mề đay

Mề đay là một mảng gồ trên da, có bờ rõ ràng, màu hồng hay đỏ nhưng ở trung tâm mảng mề đay thì thường nhạt màu hoặc hơi trắng. Mề đay thường có hình tròn, hình ovan hay ngoằn ngoèo, đặc biệt rất ngứa ảnh hưởng tới công việc và học tập, ngứa nhiều hơn về đêm. Kích thước nốt ban cũng rất khác nhau, có thể từ vài milimet đến vài centimet. Có một hay nhiều mảng mề đay nổi ở vị trí bất kỳ trên cơ thể, tuy nhiên mề đay hay thấy ở vùng mặc quần áo hoặc vùng nếp gấp nhiều hơn.

Diễn biến của mề đay thường thoáng qua và tùy từng người. Nó xuất hiện và lớn lên trong vòng từ vài phút đến vài giờ và biến mất sau 24 giờ với mề đay cấp, mề đay không đau và khi biến mất không để lại vết bầm trên da trừ khi trẻ gãi gây trầy xước da hay bị chấn thương. Nếu mảng ngứa mà đau và biến mất để lại vết bầm thì coi chừng là bệnh khác.

Mề đay có thể đau kèm với hiện tượng phù mạch (sưng mặt, môi, bộ phận sinh dục, đầu chi...). Nếu chỉ có phù mạch mà không có mảng mề đay nên đi tìm nguyên nhân khác gây phù mạch như các thuốc chẳng hạn.

Mề đay cấp và thuốc chữaTriệu chứng điển hình của mề đay.

Nguyên nhân gây mề đay cấp

Nhiễm trùng (nhiễm virut hay vi khuẩn):  Chiếm 80% các trường hợp trong đó nhiễm virut hay gặp hơn. Virut hay gặp nhất là Piconavirus, Coronavirus, virut hợp bào hô hấp và vài loại virut khác. Khi mề đay khó trị với thuốc kháng dị ứng nhưng đáp ứng tốt với kháng sinh azithromycin thì thường liên quan tới nhiễm khuẩn mycoplasma pneumoniae. Mề đay cấp cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn tiền triệu của nhiễm viêm gan A, B nhưng cũng có thể là biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV - tuy nhiên hiếm.

Nhiễm ký sinh trùng (nhiễm giun lươn, sán chó, giun đũa...) là một nguyên nhân đáng chú ý gây ra mề đay cấp. Ăn cá sống có chứa ký sinh trùng Anisakis simplex cũng có thể gây mề đay.

Thuốc: Kháng sinh là nhóm thuốc hay gây dị ứng, trong đó kháng sinh nhóm betalactam (cephalexin, cefuroxim, cepodoxime) là hay gây dị ứng hơn cả. Tất nhiên bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra dị ứng.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: nọc côn trùng, mủ cao su, thực phẩm và phụ gia thực phẩm, tiếp xúc với thời tiết lạnh quá...

Dùng thuốc như thế nào?

Điều trị bằng thuốc: Có đến 2/3 trường hợp mề đay cấp biến mất một cách tự nhiên mà không cần điều trị. Do vậy, nên tập trung điều trị chứng ngứa và phù mạch nếu có.

Thuốc kháng histamin H1 có thể dùng thế hệ 1 như chlopheniramin, dexchlophrniramin, diphenhydramine, hydroxyzine... hoặc thế hệ 2 như cetirizin, loratadine, fexofenadine... Hiện nay, người ta ưa thích dùng thế hệ 2 hơn vì hạn chế các tác dụng phụ hơn thế hệ 1. Các tác dụng phụ hay gặp ở khi dùng thuốc kháng histamine thế hệ 1 bao gồm: ngầy ngật, buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu... Nếu dùng liều quá cao có thể li bì, co giật nhất là ở trẻ em. Do đó cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con dùng. Một lợi thế của kháng histamin thế hệ 2 là chỉ cần uống 1 lần trong ngày nên khá thuận tiện với trẻ đi học.

Phụ nữ có thai chỉ được sử dụng thuốc loratadine, cetirizine và chlopheniramin. Phụ nữ cho con bú chỉ dùng cetirizin hoặc loratadine để tránh ngầy ngật cho con vì thuốc này qua sữa rất ít.

Các kháng histamin H2 như cimetidine, ranitidine, famotidine... là các thuốc chủ yếu dùng trong bệnh viêm loét dạ dày. Nhưng nếu phối hợp kháng histamin H1 ở trên với nhóm này thì sẽ hiệu quả hơn trong điều trị mề đay cấp.

Các glucocorticoide: Như prednisone, methylprednisolon... có thể thêm vào cùng với kháng histamin để điều trị các chứng mề đay kéo dài hoặc nặng. Lưu ý thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ và không dùng dài ngày. Nên uống sau ăn sáng.

Kháng sinh: Không dùng kháng sinh thường quy trong điều trị bệnh mề đay. Chỉ dùng thuốc khi nghi ngờ mề đay do vi khuẩn mycoplazma pneumoniae và kém đáp ứng với các thuốc trên. Kháng sinh chọn trong trường hợp này là azithromycin.

Thuốc bôi: Có thể dùng thuốc bôi để làm giảm nhanh triệu chứng tại chỗ. Thuốc bôi có thể chứa thuốc kháng histamin như phenergan hoặc chứa corticoide như eumovate... những thuốc bôi này còn hay được dùng trong những trường hợp sẩn ngứa và côn trùng cắn.

Khi trẻ bị mề đay mà có biểu hiện nặng như: vật vã, kích thích, tím tái, co giật, khò khè khó thở, thở rít, phù hết mặt, nôn ói.... Cần cho nhập viện gấp hoặc gọi cấp cứu 115 để được điều trị tại bệnh viện với các thuốc tiêm: andrenalin, methylprednisolon, dimedrol...

Xem thêm: Cần làm gì khi nổi mề đay

Phòng bệnh

Nếu xác định được nguyên nhân gây dị ứng thì tuyệt đối tránh tiếp xúc lại với tác nhân đó trong bất cứ tình huống nào. Nếu tác nhân đó quá phổ biến có thể gặp bất cứ khi nào thì nên tới trung tâm dị ứng miễn dịch để thực hiện giải dị ứng với tác nhân đó.

Những trường hợp không xác định được nguyên nhân gây dị ứng thì nên tạo môi trường trong sạch, không khói bụi, vệ sinh phòng ốc sạch sẽ.


BS. Trần Văn Công
Ý kiến của bạn