Mẹ con sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu thoát chết ngoạn mục

09-12-2024 20:01 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo bác sĩ, với các ca cấp cứu như thế này, tỷ lệ tử vong của cả mẹ và bé rất cao. Đa phần thai nhi sẽ bị mất tim thai nhanh chóng, việc chảy máu tử cung diện rộng do rau tiền đạo trung tâm cũng khiến sản phụ nguy cấp nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.

Tối 9/12, thông tin từ Bệnh viện Bưu điện cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thanh H. (31 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng choáng ngất sau ngã bất tỉnh trong nhà vệ sinh, chảy máu vùng đầu, mặt, đặc biệt ra nhiều máu âm đạo ở tuần thai thứ 36. Chẩn đoán ban đầu xác định tim thai suy ở thai phụ sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu.

Rất may mắn, bệnh nhân đã thoát khỏi cửa tử như một kỳ tích. Thai nhi trong tình trạng suy thai, suy hô hấp sau mổ lấy thai cũng đã thoát khỏi tình trạng nguy cấp. Hiện bé trai 2,7kg được chăm sóc trong phòng Chăm sóc sơ sinh đang chờ gặp mẹ sau điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Sau thời gian cận kề với cái chết như lời những người thân kể lại lúc được đưa đến bệnh viện, chị Nguyễn Thanh H. và anh Nguyễn Văn Th. (chồng chị) vui mừng không nói thành lời. Chứng kiến toàn bộ quá trình các y bác sĩ tiếp nhận, thăm khám, chẩn đoán, hội chẩn rồi nhanh chóng thực hiện phẫu thuật mổ lấy thai, cầm máu cấp cứu cả 2 mẹ con sản phụ… anh Th. cảm ơn các y bác sĩ đã cứu sống vợ con anh.

Sau 5 ngày nhập viện cấp cứu và điều trị, đến hôm nay, con trai anh đã khỏe mạnh, cứng cáp không phải nằm lồng ấp, vợ anh đã có thể ngồi dậy, trò chuyện với mọi người bình thường, anh có cảm giác như mình đang mơ.

Mẹ con sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu thoát chết ngoạn mục- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho sản phụ.

Bác sĩ Kiều Văn Đồng – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bưu điện, người trực tiếp thăm khám cho sản phụ Nguyễn Thanh H. lúc mới nhập viện cho biết, đây là trường hợp cấp cứu rất nặng, diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong cao và rất hiếm gặp trên cùng một sản phụ cả 2 cấp cứu nguy hiểm trong sản khoa là sản giật và rau tiền đạo trung tâm chảy máu.

"Trên thực tế, các ca cấp cứu như thế này tỷ lệ tử vong của người mẹ và nhất là em bé rất cao. Đa phần thai nhi sẽ bị mất tim thai nhanh chóng, việc chảy máu tử cung diện rộng do rau tiền đạo trung tâm cũng khiến sản phụ nguy cấp nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, đối với trường hợp sản phụ H. ngoài các yếu tố bất lợi về sức khỏe, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, bán hôn mê, chảy máu nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt, chị H. còn có rối loạn đông máu và đã từng sinh mổ một lần. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện, huy động tất cả nhân lực, trang thiết bị, chế phẩm máu và các điều kiện cần thiết khác, ưu tiên hàng đầu cho việc cấp cứu người bệnh" - BS. Đồng thông tin.

Mẹ con sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu thoát chết ngoạn mục- Ảnh 2.
Mẹ con sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu thoát chết ngoạn mục- Ảnh 3.
Mẹ con sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm chảy máu thoát chết ngoạn mục- Ảnh 4.

Sức khỏe của em bé đã ổn định sau ca cấp cứu và được chăm sóc chu đáo.

Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp các bác sĩ thuộc các khoa chuyên môn (khoa Sản, khoa Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu...) đều phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng, chính xác từ phẫu thuật lấy thai, cấp cứu trẻ sơ sinh suy hô hấp đến phẫu thuật cắt tử cung bán phần, cầm máu cho sản phụ.

Trưởng khoa Sản cho hay, khó khăn nhất ở ca cấp cứu này đó là sản phụ bị sản giật, rau tiền đạo trung tâm và có rối loạn đông máu nên chảy máu rất nhiều. Các bác sĩ đã truyền khoảng 3,5 lít/ khối hồng cầu, 1 khối tiểu cầu và khoảng 2 lít huyết tương tươi.

Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được kiểm tra các xét nghiệm chuyên sâu, chụp CT-Scanner, chuyển khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị tích cực điều chỉnh rối loạn đông máu, cầm máu, đảm bảo huyết động ổn định, kháng sinh...

Trải qua 5 ngày cấp cứu và điều trị, tình trạng người bệnh hiện huyết động đã ổn định, không còn thiếu máu, người bệnh tỉnh táo, hết rối loạn đông máu. Dự kiến điều trị kháng sinh thêm 1 đến 2 ngày nữa cho ổn định hẳn thì mẹ con sản phụ có thể ra viện, trở về nhà.

Qua trường hợp này, BS. Đồng lưu ý các thai phụ nên đi khám, theo dõi thai định kỳ, có ý thức quản lý thai nghén chặt chẽ. Nếu biết rõ có triệu chứng nghi ngờ hoặc liên quan đến tiền sản giật, nhất là rau tiền đạo trung tâm và đã từng sinh mổ thì nên nhập viện theo dõi chờ sẵn.

"Thai phụ có thể nhập viện theo dõi từ tuần thứ 35 trở đi. Trong trường hợp xảy ra các biến cố bất lợi về sức khỏe, người nhà nên đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế có thể thực hiện được các phẫu thuật sản khoa gần nhất để được bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra" - BS. Đồng tư vấn.

Xem thêm bài viết được quan tâm về biến chứng tiền sản giật:

Cứu sống sản phụ mắc hội chứng Hellp, biến chứng tiền sản giậtCứu sống sản phụ mắc hội chứng Hellp, biến chứng tiền sản giật

SKĐS - Sản phụ 19 tuổi, mang thai lần 2, thai 31 tuần bị tiền sản giật nặng kèm hội chứng Hellp vừa được các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cứu sống thành công.


M.Đức
Ý kiến của bạn