Đồng bào ở cả 3 miền nước ta rất ưa thích món canh chua lá me non nấu cá mòi, cá trích, cá quả, cá đuối, thát lát, tôm tép, lá me cho vào nước rau muống luộc... làm cho ta duy trì được mức cơm ăn hằng ngày ngon miệng, khỏi khô khát trong những ngày nóng nực, nhất là vùng có gió Lào, gây mệt mỏi chán ăn, suy kiệt. Canh chua me nấu cá là một loại canh không thể thiếu trong mâm cơm hằng ngày của dân các nước vùng nhiệt đới vì nó rất phù hợp với phép ẩm thực dưỡng sinh theo mùa của Đông y (bù nước, điện giải, nhiều vitamin khoáng chất, cung cấp đạm dễ tiêu, vị chua mặn thanh thử giải nhiệt...) để bảo vệ có hiệu quả sức khỏe, phòng được bệnh mùa hè.
Me chua.
Me làm thuốc: Các bộ phận đều dùng làm thuốc, trái me dưỡng can, minh mục, hóa tích, tán bì, sát trùng, thoát nhiệt, chỉ khát. Me làm mát gan, phổi, dạ dày, tiêu thực. Chữa nóng quá sinh phiền khát, đái đỏ sẻn. Chữa nóng rát cổ, ho khản tiếng.
Một số cách dùng thông thường.
Nôn nghén, chán cơm khi có thai.
Quả me 30g, đường trắng 10g, me cạo vỏ cho vào nồi nấu với 300ml nước, đun sôi kỹ còn 200ml, chắt nước bỏ bã. Cho đường quấy đều chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong vài ba ngày liên tiếp.
Có thể dùng me ngào, mứt, "ô mai me" cam thảo để ngậm, ăn.
Bệnh gan mật vàng da: Thịt quả me 20-120g pha đường đủ ngọt uống trong ngày. Trẻ em 3 tuổi: 5g, 5 tuổi: 10g, 12 tuổi: 30g. Quả me nghiền nát bỏ xơ. Cứ 50g thịt quả me trộn với 125g đường cho vào 500g đun còn 200g. Quả me cũng có tác dụng lợi mật. Để uống chữa sỏi mật, đồng bào vùng Đồng Tháp Mười dùng hạt me rang vàng xay bột mịn uống với nước đun sôi để nguội.
Trẻ em mùa hè rôm sảy, mẩn ngứa: Lá me nấu nước tắm.
Táo bón: Ăn quả me chín hoặc sắc nước gỗ me uống.
Viêm lợi răng: Vỏ cây me sắc nước đặc ngậm, súc miệng.
Chảy máu ngoài da: Cầm máu bằng rắc bột vỏ cây me hoặc giã đắp.
Tẩy giun: Hạt me rang chín tán bột 190g, 160g bột quả giun (sử quân tử đã bào chế kỹ tránh gây nấc), đường vừa đủ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi sáng 3 viên uống 3 sáng liền. Không phải dùng thuốc tẩy.
Viêm kết mạc: Lá me rửa thật sạch đủ để hãm vào cốc nước thật sôi làm thuốc nhỏ mắt, rửa mắt. Nên nhờ người có chuyên môn pha chế!
Bồi dưỡng chữa suy nhược: Vitamin C, B có nhiều ở quả chữa chảy máu chân răng. Vitamin B có nhiều ở búp lá, lá non. Pha nước uống, làm thức ăn hằng ngày.
Theo các tài liệu chuyên đề "Cây thuốc dân gian vùng Caribê" của UNESCO (1984) và sách Những cây họ đậu nhiệt đới nguồn tài nguyên tương lai của Viện Hàn lâm Mỹ (1970) còn nói đến các công dụng khác của me: Vỏ sắc nước chữa hen suyễn..., lá non giã đắp vào chỗ đau của thấp khớp cấp, thịt trái me có hoạt tính chống sỏi thận. Ở Đôminica trong bài thuốc bảo vệ gan, có thành phần của me. Hoa me là nguồn quan trọng để nuôi ong lấy mật, làm thức ăn, thuốc.
BS. Phó Thuần Hương