Tác giả chính của nghiên cứu, Phó Giáo sư Caitlin Murphy, chuyên gia về khoa học hành vi và nâng cao sức khỏe tại Đại học Texas ở Houston (Mỹ) cho biết: "Dựa trên kết quả này, những phụ nữ trẻ có dự định mang thai cần được tư vấn và theo dõi thích hợp. Sức khỏe của những đứa trẻ tương lai là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người trẻ mắc bệnh ung thư, nhưng vào thời điểm có chẩn đoán ung thư, bệnh nhân thường bị nhiễu loạn các thông tin liên quan tới ung thư".
"Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong thực hành lâm sàng để giúp tư vấn cho nhóm đối tượng này về những nguy cơ tiềm ẩn sau sinh liên quan đến bệnh ung thư" - Caitlin Murphy cho biết thêm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra dị tật bẩm sinh ở hơn 6.800 trẻ em, từ 12 tháng tuổi trở xuống, của những phụ nữ có tuổi từ 15 - 39 (tại thời điểm có chẩn đoán ung thư).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 29% mắc bệnh ung thư tuyến giáp, 13% mắc bệnh ung thư hạch và gần 11% mắc bệnh ung thư vú. Khoảng 1/4 số phụ nữ ung thư đã được sử dụng hóa trị liệu.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù nguy cơ chung về dị tật bẩm sinh ở con của những phụ nữ có tiền sử ung thư (tỷ lệ dị tật bẩm sinh 6%) cao hơn so với con của phụ nữ không có tiền sử ung thư (tỷ lệ dị tật bẩm sinh 4,8%), nhưng nguy cơ này vẫn là hiếm gặp ở cả hai nhóm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nguy cơ gia tăng mắc các loại dị tật ở trẻ là con của những phụ nữ có tiền sử ung thư, bao gồm: các dị tật về mắt hoặc tai; dị tật về tim và tuần hoàn; những bất thường về hệ thống sinh dục và tiết niệu, và những bất thường về cơ xương.
Các nhà khoa học nhận định, việc khám sàng lọc trẻ sơ sinh để phát hiện dị tật bẩm sinh có thể mang lại cơ hội phòng ngừa có ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu hiện nay đang chứng minh mối liên quan giữa ung thư và dị tật bẩm sinh, trong đó trẻ em bị dị tật bẩm sinh cũng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Việc càng hiểu biết sâu hơn về mối liên quan giữa ung thư và dị tật bẩm sinh thì càng giúp mang lại cơ hội phòng ngừa tốt hơn các nguy cơ có thể xuất hiện ở trẻ.