1. Các chất gây rối loạn nội tiết phổ biến
Các chất gây rối loạn nội tiết được tìm thấy trong nhiều sản phẩm gia dụng hàng ngày, bao gồm một số chai và hộp nhựa, lớp lót của hộp thực phẩm bằng kim loại, chất tẩy rửa, chất chống cháy, thực phẩm, đồ chơi, mỹ phẩm và thuốc trừ sâu.
Một số hóa chất gây rối loạn nội tiết chậm phân hủy trong môi trường. Đặc điểm đó khiến chúng có khả năng gây nguy hiểm theo thời gian.
Một số chất gây rối loạn nội tiết phổ biến, bao gồm:
- Bisphenol A (BPA) - được sử dụng để sản xuất nhựa polycarbonate và nhựa epoxy, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm nhựa bao gồm hộp đựng thực phẩm.
- Dioxin - được tạo ra như một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ và tẩy trắng giấy, chúng cũng được thải ra môi trường trong quá trình đốt chất thải và cháy rừng.
- Perchlorate - một sản phẩm phụ của ngành hàng không vũ trụ, vũ khí và dược phẩm được tìm thấy trong nước uống và pháo hoa.
- Các chất Perfluoroalkyl và Polyfluoroalkyl (PFAS) - được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng công nghiệp, như bọt chữa cháy, chảo chống dính, giấy và lớp phủ dệt.
- Phthalates - được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn, chúng cũng được tìm thấy trong một số bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị y tế.
- Phytoestrogen - các chất sản sinh tự nhiên trong thực vật có hoạt tính giống như hormone, như genistein và daidzein có trong các sản phẩm đậu nành.
- Polybromated diphenyl ete (PBDE) - được sử dụng để làm chất chống cháy cho các sản phẩm gia dụng như bọt nội thất và thảm.
- Polychlorinated biphenyls (PCB) - được sử dụng để sản xuất thiết bị điện như máy biến áp và trong chất lỏng thủy lực, chất lỏng truyền nhiệt, chất bôi trơn và chất hóa dẻo.
- Triclosan - có thể được tìm thấy trong một số sản phẩm chống vi khuẩn và chăm sóc cá nhân, như sữa tắm dạng lỏng.
Tuy nhiên, những tác hại đáng báo động của chúng đối với sức khỏe con người lại ít được công chúng biết đến. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc tiếp xúc với các chất này trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe trung và dài hạn cho cả mẹ và thai nhi.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học TELUQ và Đại học Queen đã chỉ ra các tác hại này bằng cách tiến hành đánh giá toàn diện các tài liệu về hơn một chục chất gây rối loạn nội tiết phổ biến nhất (ED), cũng như một số tác dụng của chúng ít được biết đến hơn. Họ tập trung vào các chất đã được chứng minh là ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, sự trao đổi chất và sự phát triển của tuyến vú trong thời kỳ mang thai.
2. Tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết thai nhi có nguy cơ phát triển ung thư vú khi trưởng thành
Mang thai là một quá trình phức tạp bao gồm những thay đổi lớn về tâm sinh lý của người mẹ và thai nhi. Giai đoạn này được điều chỉnh bởi các hormone và con đường tín hiệu khác nhau. Do đó, là thời kỳ đặc biệt nhạy cảm với các chất gây ô nhiễm bên ngoài.
Bằng cách tổng hợp các nghiên cứu hiện có, các nhà nghiên cứu đã làm nổi bật vai trò của nhau thai và tính dễ bị tổn thương của nó đối với các chất gây rối loạn nội tiết. Nhau thai là cơ quan điều hòa sinh lý của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong thời kỳ mang thai. Nó tạo ra các hormone cần thiết cho thai kỳ. Bất kỳ sự thay đổi nào trong hoạt động của nó đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi trong ngắn hạn, trung hạn và thậm chí dài hạn. Nhau thai bị trục trặc có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe sau này như bệnh tiểu đường, béo phì hoặc các bệnh mạn tính khác.
"Đời sống chu sinh, bao gồm cả thời kỳ mang thai, là một giai đoạn phát triển quan trọng. Do đó, sự thay đổi của nhau thai bởi các chất rối loạn nội tiết có thể gây ra những tác động vô hình mà chỉ có thể quan sát thấy sau này", giáo sư Cathy Vaillancourt, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc mẹ tiếp xúc sớm với một số chất gây rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các tuyến vú ở thai nhi, dẫn đến nhiều khả năng phát triển ung thư vú khi trưởng thành.
Điển hình như bisphenol A (BPA), được tìm thấy trong một số loại nhựa cất trữ thực phẩm và một loại estrogen tổng hợp đã được sử dụng rộng rãi ở phụ nữ để điều trị mãn kinh hoặc để tránh nguy cơ biến chứng thai kỳ. Ngoài ra, tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết cũng có thể liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
Thông điệp mà các nhà khoa học muốn gửi đến thông qua nghiên cứu này, đó là, phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ muốn có con dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây rối loạn nội tiết. Do vậy, họ phải nhận thức được những ảnh hưởng mà những chất gây ô nhiễm này có thể gây ra, không chỉ đối với sức khỏe của họ mà còn cả với đứa trẻ trong tương lai.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo di chứng kéo dài hậu COVID có thể thành hội chứng phổ biến