Mẹ bầu mắc lao nguy hiểm thế nào cho thai nhi?

22-08-2018 14:08 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh lao phá hủy phổi và những bộ phận khác của cơ thể và có thể gây tình trạng trầm trọng.

Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con lại dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác. Bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng đối với bà mẹ mang thai. Nó có thể khiến suy thai, sảy thai, thai chết lưu, lây bệnh cho thai nhi... Vì vậy, các bà mẹ mang thai cần tuân thủ nghiêm túc lộ trình điều trị nếu không may mắc bệnh.

Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc lao?

Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con lại dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác và nam giới là do rất nhiều yếu tố. Trong đó đáng kể nhất là sự thay đổi các nội tiết tố oestrogen, progesteron. Sự xuất hiện nội tiết tố rau thai làm cho các cơ quan phục vụ cho quá trình mang thai chuẩn bị cho cuộc đẻ và nuôi con như hệ sinh dục, vùng chậu hông, da, cơ... tăng cường chuyển hóa các chất, ngấm nhiều nước hơn,... kéo theo cả tổ chức phổi - những tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn, làm cho vi khuẩn lao dễ dàng hoạt động và tấn công hơn.

Bên cạnh sự thay đổi nội tiết, khi mang thai, cơ thể người mẹ giảm miễn dịch tự nhiên để chấp nhận một cơ thể lạ mà một nửa là của người khác; do ăn uống không đủ chất; sự vất vả trong mang thai, cuộc đẻ và lúc nuôi con... cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến họ dễ nhiễm lao hơn bao giờ hết.

Điều nguy hiểm là, bệnh lao không chỉ khiến cho cơ thể người mẹ bị tàn phá, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Khi người mẹ mắc bệnh thì những đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai, đó là lao bẩm sinh, việc điều trị sẽ rất khó khăn.

Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ. Ảnh: TM

Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ. Ảnh: TM

Khi nghi ngờ mắc lao, bà bầu nên làm gì?

Chính vì những điều kể trên, khi nghi ngờ mắc bệnh lao trong thai kỳ, bà bầu cần thực hiện ngay theo hướng dẫn sau đây:

Làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện chuyên ngành để có chẩn đoán chính xác có bị bệnh lao hay không. Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo. Nhưng bạn vẫn nên thông báo cho bác sĩ hoặc các kỹ thuật viên biết là đang mang bầu để họ thực hiện kỹ hơn các kỹ thuật an toàn cho thai nhi. Nếu phải kiểm tra Xquang, bạn nên nhắc nhân viên y tế sẽ đeo chì trên bụng để bảo vệ em bé của bạn khỏi tia X.

Dùng thuốc điều trị bệnh lao theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai mắc lao cần đặc biệt lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất, có giá trị dinh dưỡng cao. Tốt nhất nên uống viên canxi và dầu cá để tiện cho sự phục hồi vùng nhiễm bệnh của phổi (nếu bị lao phổi). Bà bầu có chế độ nghỉ ngơi thích hợp để giảm sự hô hấp, có lợi cho phục hồi vùng phổi.

Sau khi sinh, mẹ vẫn đang trong quá trình điều trị lao phổi, cần lưu ý gì?

Sau khi sinh con, người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất để phục hồi sức khỏe và cần nghiêm túc thực hiện đúng phác đồ điều trị lao, không để vi khuẩn lao kháng thuốc. Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được viêm BCG sớm (bắt buộc) để phòng bệnh lao sơ nhiễm.

Khi mẹ bị nhiễm lao hay đang trong quá trình điều trị bệnh lao, cần thực hiện theo đúng lời khuyên của bác sĩ và nhân viên y tế về các kế hoạch chăm sóc bé.

Đối với những người mẹ vẫn còn vi khuẩn lao ở trong đờm. Cần tuyệt đối tránh không cho bé bú sữa mẹ khi mẹ đang bị lao phổi. Người mẹ cũng nên cách ly bé để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho bé. Để an toàn cao nhất, mẹ mắc lao không nên chăm sóc trẻ, ôm, hôn hay có những cử chỉ tiếp xúc thân mật, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh truyền trực tiếp sang cho con. Việc này cần thực hiện nghiêm túc cho đến khi mẹ xét nghiệm vi khuẩn lao âm tính.


BS. Đinh Hằng
Ý kiến của bạn