Theo các bác sĩ, nếu thai phụ bị SXH thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường. Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXH có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: "Đối với bệnh nhân đang mang thai bị SXH, cần được theo dõi chặt chẽ hơn nhiều bởi nhiều biến chứng có thể xảy ra như ra huyết, đẻ non, sảy thai. Đối với những trường hợp này, cần kiểm tra công thức máu, tiểu cầu hàng ngày cũng như kết hợp với Khoa Sản của BV để theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi, đôi khi cần dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai cho bệnh nhân, kết hợp điều trị SXH và phòng ngừa nguy cơ sảy thai, đẻ non".
Bệnh nhân SXH điều trị tại BV Bạch Mai.
Theo các chuyên gia, điều trị bệnh nói chung và SXH nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó khăn. Cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức,... để xử trí kịp thời khi có biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị, thận trọng trong việc chỉ định dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh,…) vì ảnh hưởng của nó đối với thai. Ngay các thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi thai phụ muốn sử dụng vẫn phải có sự đồng ý của bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa sau khi đã cân nhắc rất kỹ.
Mẹ bầu phòng bệnh SXH thế nào?
Để phòng bệnh SXH, nhất là với bà mẹ mang thai, các bác sĩ khuyến cáo chị em nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi,… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh. Nên tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia vệ sinh môi trường ở nơi mình đang sinh sống để góp phần phòng tránh SXH.
Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp - nơi chuyên điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết.
Các bác sĩ cảnh báo, khi mang bầu, sức đề kháng của người phụ nữ sẽ giảm xuống cho nên dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng như cúm, Rubella, thủy đậu,… đặc biệt là bệnh SXHD. Do đó, để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con, khi có biểu hiện sốt, chị em có thai cần đi khám ngay, đặc biệt, nếu nghi ngờ SXH phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh SXH thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3 ), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).
Hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày.