Hà Nội

Mẹ bầu cần nhận biết dấu hiệu nghi ngờ nước ối ít

20-06-2023 07:14 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Thiểu ối là có ít nước ối trong thai kỳ, nếu bị thiểu ối có thể gây ra các biến chứng cho thai nhi trong thai kỳ.

Nhiều mẹ bầu được chẩn đoán là nước ối ít hay còn gọi là thiểu ối hoặc có các triệu chứng của thiểu ối. Thiểu ối xảy ra càng sớm trong thai kỳ thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai càng nghiêm trọng.

1. Nước ối là gì?

Nước ối là chất lỏng trong suốt, màu vàng nhạt, không mùi hình thành trong vòng 12 ngày sau khi thụ thai. Túi ối được hình thành từ hai màng, màng ối và màng đệm bao bọc bảo vệ thai nhi phát triển trong tử cung. Nước ối có nhiều chức năng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, bảo vệ thai nhi khỏi chấn thương nếu bụng của mẹ bị tác động, bảo vệ dây rốn, bảo vệ khỏi nhiễm trùng, chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp hệ hô hấp và tiêu hóa của thai nhi phát triển, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thai nhi.

Thiểu ối dao đâu và điều trị thế nào? - Ảnh 2.

Thiểu ối gây các biến chứng ảnh hưởng đến thai nhi.

Lượng nước ối trong bụng mẹ thay đổi theo thời gian. Nước ối tăng đều đặn khi em bé lớn lên, đạt đến thể tích cao nhất vào khoảng 34 đến 36 tuần tuổi thai. Tại thời điểm đó, nước ối bắt đầu chững lại, giảm dần khi em bé sắp chào đời. Như vậy, lượng nước ối mẹ bầu có vào cuối thai kỳ đương nhiên là ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu lượng nước ối bên trong tử cung quá ít hoặc quá nhiều có nguy cơ xảy ra các biến chứng.

2. Điều gì gây ra thiểu ối?

Nước ối ít là một tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn. Nó có thể gây ra các biến chứng trong quá trình mang thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Nguyên nhân của thiểu ối khác nhau, tùy thuộc cơ thể của thai phụ trong thai kỳ. Trong thời kỳ đầu mang thai, các nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố bất thường từ màng ối, thai nhi và tình trạng sức khỏe thai phụ. 

Nếu nguyên nhân do mẹ, người mẹ có bệnh lý như tăng huyết áp, tiền sản giật, gan, thận... có ảnh hưởng đến tính thấm của màng ối, chức năng của rau thai gây thai kém phát triển và đến chức năng tái tạo nước ối.

Nguyên nhân do thai nhi thường do những bất thường bẩm sinh như: thai vô sọ, não úng thủy, thoát vị não màng não, thoát vị rốn, teo hành tá tràng, giảm sản phổi, tắc nghẽn đường tiết niệu, bất thường thận...

Tình trạng thiểu ối còn gặp do thai chậm phát triển, hạn chế tăng trưởng trong tử cung xảy ra sau một tình trạng thiếu oxy của bào thai, giảm tưới máu phổi và giảm tiết dịch, nhiễm trùng thai...

Ngoài ra, càng về cuối thai kỳ, khi lượng nước ối thấp phổ biến hơn, mức độ giảm có thể liên quan đến việc thai phụ bị vỡ ối sớm hoặc thai già tháng.

3. Các triệu chứng của thiểu ối

Triệu chứng chính của nước ối ít là cử động của thai nhi giảm. Mẹ bầu có thể cảm thấy thai nhi cử động ít hơn bình thường. Chuyển động của thai nhi giảm là một triệu chứng có thể xảy ra và thường là dấu hiệu đầu tiên được chú ý. Khi có ít nước ối hơn sẽ hạn chế không gian mà thai nhi có thể di chuyển. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thai phụ không gặp phải bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Điều này có nghĩa là có thể bị thiếu nước ối mà không nhận ra.

Một dấu hiệu khác có thể xảy ra của tình trạng nước ối ít là bác sĩ sẽ dựa vào số đo và chiều cao tử cung của mẹ thiểu ối thường thấp hơn bình thường so với cùng tuổi thai, có chiều hướng đi xuống so với chuẩn.

4. Chẩn đoán thiểu ối

Thiểu ối dao đâu và điều trị thế nào? - Ảnh 4.

Siêu âm là cách chẩn đoán thiểu ối chính xác nhất.

Các triệu chứng như giảm chuyển động của thai nhi không phải lúc nào cũng chỉ ra rằng bị thiếu nước ối. Siêu âm là cách chẩn đoán thiểu ối chính xác nhất, siêu âm để đánh giá nước ối là một phần kiểm tra sức khỏe của thai nhi và thường được thực hiện ở thai kỳ có nguy cơ cao, nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ. 

Nếu một kết quả bất thường được ghi nhận, có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung, theo dõi chặt chẽ hơn hoặc thậm chí là sinh nở tùy thuộc vào khoảng thời gian mang thai. 

5. Điều trị thiểu ối

Việc điều trị thiểu ối phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như thời gian mang thai bao lâu và thai phụ có được chẩn đoán mắc các biến chứng thai kỳ khác hay không. Nếu mẹ bầu gần đủ tháng (thai khoảng 37 tuần), bác sĩ có thể quyết định kích thích chuyển dạ sớm là lựa chọn an toàn nhất cho em bé.

6. Làm thế nào để ngăn ngừa thiểu ối?

Không thể làm gì để ngăn ngừa thiểu ối, do đó thai phụ cần đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ và nên cho bác sĩ biết về các triệu chứng như: rò rỉ nước ối từ âm đạo, chảy máu âm đạo, chuột rút hoặc đau vùng chậu, các cơn co thắt, cảm thấy thai nhi di chuyển ít hơn. Theo dõi thai kỳ để đánh giá thai phụ có nguy cơ bị thiếu nước ối hay không là cơ hội tốt nhất để điều trị tình trạng này.

Một số nghiên cứu cho thấy uống nước bổ sung có thể giúp tăng lượng nước ối ở thai phụ hoặc truyền nước nếu thiểu ối nặng. Thai phụ nên nói chuyện với bác sĩ về việc tăng lượng nước uống phù hợp nhất như một phương pháp điều trị chứng thiểu ối.

Vỡ ối sớm nguy hiểm thế nào?Vỡ ối sớm nguy hiểm thế nào?

SKĐS – Khi thai phụ bị vỡ ối, túi ối không còn khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Thai phụ và thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng như viêm màng ối và nhiễm trùng huyết. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mẹ bầu nên uống và nên tránh loại nước gì?



BS. Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ý kiến của bạn