Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, chỉ trong 1 tháng (từ ngày 5/9 – 5/10), tại đây đã tiếp nhận 75 trường hợp (gồm cả người lớn và trẻ em) bị bỏng các loại như bỏng do cháo, do gas cháy, nước sôi, bỏng mỡ, bỏng cồn, bỏng xăng…
Mơi đây nhất, tối 2/10, các bác sĩ khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) tiếp nhận chị Nguyễn T. (48 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) bị bỏng mỡ từ mặt xuống ngực, hai tay, lưng, diện tích 30%. Nguyên nhân là do khi đang dán mỡ, chị T. sơ ý làm chảo bị lật và mỡ bắn vào người gây bỏng.
Bé Quốc H. (13 tháng tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nặng từ chiếc ấm siêu tốc. Mẹ cháu kể, hôm đó, tôi vừa đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun, biết con hiếu động hay đùa nghịch tôi đã đặt hẳn vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, tôi ra ngoài phơi đồ. Nhưng ra ngoài chưa đầy 5 phút thì đã nghe tiếng con khóc ré lên, tôi chạy vào xem thì mới tá hỏa cháu đang ôm cả chiếc ấm vào người. Hoá ra trong lúc tôi phơi quần áo, cháu đã tò mò lại gần chiếc ấm rồi ôm trọn chiếc ấm.
Năm cách bé Q.H. một giường, bé H. (9 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) bị bỏng ở vùng chân do với tay vào phích nước sôi mẹ để ngay chiếc bàn thấp cạnh đó. Diện tích bỏng 15% cơ thể khiến vết bỏng đau rát nên bé H. liên tục khóc thét lên.
BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, đa phần các trường hợp tai nạn bỏng nhập viện trong thời gian qua đều bắt nguồn từ sự lơ là, bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.
Theo BS Thống, trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Đồng thời cần phải nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người trẻ, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng tránh làm trượt da trẻ, kiểm tra đường hô hấp, tim… của trẻ. Nhanh chóng chuẩn bị một chậu nước sạch (không cần phải là nước đun sôi để nguội) với nhiệt độ từ 16 đến 20 độ và nhúng vết bỏng vào nước, rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng giúp vết thương không bị lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng.
Khi trẻ bị bỏng, người lớn tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ.
BS Nguyễn Thống cũng lưu ý, nếu vùng bỏng có dính với quần áo thì cần nhanh chóng nhẹ nhàng cởi bỏ trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước. Nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được tự ý, hay cố làm mọi cách để lôi ra. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ, lấy khăn sạch băng vết bỏng.
Theo các bác sĩ, cách tốt nhất đề phòng không bị bỏng đó là mỗi người hãy cẩn thận hơn khi nấu ăn, nướng cá mực hay sử dụng xăng dầu, ga, điện. Đối vối trẻ thì để xa các đồ vật dễ gây bỏng vì tâm lý trẻ hay nghịch. Nếu không may bị bỏng nên đưa ngay người đó đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và điều trị. Chẳng hạn như, với các nguồn điện trong tầm với của trẻ thì cần phải dạy trẻ giống như phản xạ tự nhiên về việc không được đến gần. Với các thức ăn nóng cần phải để tránh xa tầm với của trẻ, có thể cho trẻ thử chạm vào các thức ăn nóng để trẻ cảm nhận được sự nguy hiểm từ đó có ý thức tránh xa.
“Các trường hợp bị bỏng mà sử dụng thuốc nam đắp lên vết bỏng. Việc đắp thuốc nam đầu tiên sẽ gây đau, xót vết bỏng. Sau đó sẽ tạo thành lớp mủ bên dưới màng thuốc từ đó gây sốt cao, rét run, co giật. Phụ huynh không nên tin theo lời của các thầy lang khiến con em mình phải gánh chịu hậu quả nặng nề”- BS Nguyễn Thống khuyến cáo thêm