Máy trị viêm mũi dị ứng có thay thế được thuốc chữa bệnh?

09-11-2016 16:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết chuyển mùa là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh viêm mũi dị ứng có cơ hội xuất hiện và gia tăng.

Thời tiết chuyển mùa là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh viêm mũi dị ứng có cơ hội xuất hiện và gia tăng. Để điều trị căn bệnh này, các bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc và tránh xa dị nguyên (nếu có) cụ thể đối với từng người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lo ngại dùng thuốc nhiều sẽ bị nhờn hay gặp phải những tác dụng phụ nên tìm đến máy điều trị viêm mũi dị ứng. Nhưng thực tế, máy điều trị này có giúp họ thoát khỏi sự khó chịu do bệnh gây ra hay “tiền mất tật mang”?

Hậu quả của lạm dụng máy trị viêm mũi dị ứng

Gần đây, con trai chị P.T.H (Long Biên, Hà Nội) học lớp 7 liên tục bị chảy nước mũi, hắt hơi hàng tràng dài, tối ngủ thì ngạt cứng mũi khiến cháu rất khó chịu, ảnh hưởng cả đến việc học tập trên lớp. Chị biết con bị viêm mũi dị ứng vì năm nào cũng vậy, cứ vào cuối mùa hoa sữa, khi có những đợt gió mùa đầu tiên của mùa đông thì con chị lại có những biểu hiện này. Mọi năm, chị thường chủ yếu chăm sóc dinh dưỡng, nấu những món ngon để tẩm bổ, tăng thêm sức khỏe cho con nhưng năm nay, chị thấy biểu hiện dị ứng nặng hơn nên rất lo lắng. Bạn chị khuyên nên mua máy điều trị viêm mũi dị ứng cho con, vừa không phải đi khám, không phải dùng thuốc lại chữa được bệnh. Vốn là người cẩn thận nên chị H. lên mạng tìm kiếm thông tin trước khi mua máy thì thấy nhiều ý kiến trái chiều, có người khen nức nở, có người chê thẳng thừng, cho rằng máy chẳng có tác dụng gì, mua phí tiền nhưng có vẻ khen nhiều hơn nên cuối cùng chị cũng quyết định mua về cho con dùng. Ngày đầu tiên sử dụng, các triệu chứng của con chị thật sự giảm rõ rệt, ít chảy nước mũi hơn, ít hắt hơi hơn, mũi cũng đỡ tắc. Chị mừng lắm. Sang ngày thứ hai, mong muốn con dứt hẳn viêm mũi dị ứng, chị đã cho con dùng máy nhiều lần nhưng không hiểu sao con chị lại bị đau và chảy máu mũi. Lo lắng lẫn sợ hãi, chị vội đưa con đi viện khám thì được bác sĩ cho biết, do dùng máy nhiều lần hơn so với quy định đã khiến niêm mạc mũi của cháu bị khô, mất lớp nhày bảo vệ dẫn đến bị đau và chảy máu mũi.

Sử dụng không đúng cách máy điều trị viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng (ảnh minh họa).

Chỉ dùng máy điều trị viêm mũi dị ứng có chữa được bệnh?

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có một số máy dùng để điều trị viêm mũi dị ứng. Tác dụng chính là làm ấm và làm sạch mũi, qua đó giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng với cơ chế phát ra ánh sáng dải hẹp năng lượng thấp 660nm (nano metre). Máy được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm. Tuy nhiên, TS.BS. Phạm Bích Đào - giảng viên Bộ môn Tai mũi họng, Đại học Y Hà Nội cho biết, viêm mũi dị ứng là một bệnh toàn thân do kích thích của kháng nguyên tạo ra các kháng histamin gây ra các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, ngạt tắc mũi nên việc sử dụng các loại máy chữa viêm mũi dị ứng chỉ mang tính điều trị triệu chứng. Trong các trường hợp viêm mũi dị ứng nặng thì còn cần phải kết hợp với thuốc điều trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định thì mới đạt kết quả điều trị mong muốn. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu lạm dụng hay làm vệ sinh máy không đảm bảo sẽ là cơ hội tốt cho vi khuẩn xâm nhập vào mũi gây ra các vấn đề khác về sức khỏe.

Lời khuyên của chuyên gia

Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp ở vùng nhiệt đới gió mùa như nước ta, bệnh xuất hiện ở 10-30% người lớn và 40% ở trẻ em. Tuy nhiên, con số này ngày càng tăng trong thời đại công nghiệp hóa do con người phải tiếp xúc thường xuyên với dị nguyên như vi khuẩn, bụi không khí, phấn hoa, hóa chất… Có nhiều dạng viêm mũi dị ứng khác nhau, có thể là dị ứng theo mùa hay dị ứng quanh năm hay do nghề nghiệp. Đối với người có cơ địa dị ứng, tốt nhất là tránh tiếp xúc với dị nguyên như thay đổi môi trường sống, môi trường làm việc. Nếu không thể thực hiện được thì cần phải được điều trị để hạn chế sự khó chịu và những biến chứng có thể gặp do bệnh gây ra. Đối với bệnh viêm mũi dị ứng cũng vậy, việc điều trị tận gốc phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, việc dùng máy điều trị chỉ nên dùng với mục đích hỗ trợ với tần số và thời gian khuyến cáo. Nếu sử dụng máy trong 2 - 3 ngày mà các triệu chứng của viêm mũi dị ứng không thuyên giảm, người bệnh cần đi khám tai mũi họng để bác sĩ có thể hỗ trợ bằng điều trị thuốc tránh diễn biến xấu như biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi… hoặc khám chuyên khoa dị ứng nếu có dị ứng da phối hợp. Tốt nhất trước khi mua máy sử dụng nên tham vấn bởi các bác sĩ tai mũi họng.


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn