Vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trường thi công Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xảy ra cách đây hơn một tháng làm một người chết và hai người bị thương đã thu hút sự quan tâm của dư luận, cảnh báo về sự mất an toàn lao động trên các công trường và tưởng chừng sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc đến chủ đầu tư, các đơn vị thi công, giám sát. Tuy nhiên, mới đây nhất, cũng tại đây, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 28/12 lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn sập giàn giáo đang thi công. Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, vào thời gian trên họ nghe một tiếng động lớn phía tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng (đoạn đối diện gần bến xe Hà Đông cũ). Tại hiện trường dầm giàn giáo đang trong giai đoạn thi công bị sập. Đây là đoạn thi công kết cấu trên ga bến xe Hà Đông và công trình mới được triển khai thi công trở lại từ ngày 21/11. Nhà thầu là Công ty cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư Xây dựng Việt Nam. Rất may thời điểm xảy ra ít người qua lại. Tuy nhiên, chiếc taxi mang biển số 30V- 8295 thuộc hãng taxi Quê lụa đi qua công trường lúc đó bị đè bẹp. Người dân cho biết, lúc tai nạn xảy ra, có 4 người trên xe, trong đó có 3 khách nữ, rất may không có thương vong về người. Được biết, hiện trường vụ sập lần này cách hiện trường vụ tai nạn tại công trình đường sắt trên cao khiến một người chết hôm 6/11 chỉ hơn 100m.
Cần phải nhắc lại rằng, trước đó, sau vụ tai nạn lần thứ nhất gây chết người, Bộ GTVT đã chỉ đạo tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông. Bộ đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt, Tổng thầu FPC, nhà thầu phụ, Tư vấn giám sát, kiểm điểm và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án. Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi làm việc nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, nơi đông người. Yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ ngay hoạt động và tiến hành khắc phục đối với những nơi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành.
Mặc dù đã có chỉ đạo rất cụ thể, tuy nhiên tai nạn vẫn xảy ra. Ở đây, dư luận và người dân có quyền đặt câu hỏi, phải chăng, việc kiểm tra chưa quyết liệt, chỉ mang tính hình thức đối phó nên đã để xảy ra tai nạn liên tiếp và các lực lượng chức năng liên quan đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao hay chưa? Cần phải xử lý nghiêm cá nhân và tập thể vi phạm trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Mạnh Linh