Chiều ngày 5/5, một số người dân ở TP.HCM ngạc nhiên khi nhìn thấy mây ngũ sắc. Đặc biệt, hình ảnh mây ngũ sắc xuất hiện phía sau tượng Phật được chia sẻ từ góc chụp ở chùa Thanh Tâm (TP.HCM) khiến nhiều người thích thú.

Hình ảnh mây ngũ sắc ghi lại được ở TP.HCM chiều ngày 5/5.
Ông Lê Đình Quyết, Tưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hiện tượng mây ngũ sắc trong khí tượng xếp vào quang hiện tượng. Đây là hiện tượng tự nhiên không quá hiếm gặp. Thỉnh thoảng trong bầu khí quyển vẫn xảy ra hiện tượng này khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng.
Màu sắc trong mây lúc này không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời. Mây ngũ sắc màu có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ. Với hiện tượng cầu vồng, chúng ta chỉ có thể quan sát khi ta quay lưng với Mặt trời. Cầu vồng thường xuất hiện vào sáng hoặc chiều tối với góc quan sát là 42 độ, và thường có khi trời vừa tạnh mưa. Còn hiện tượng mây ngũ sắc ta có thể quan sát rộng hơn, ở bất kỳ vị trí nào", ông Quyết phân tích.
Nói về hiện tượng mây ngũ sắc dưới góc độ khoa học, anh Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) mô tả đây là sự xuất hiện của màu sắc trong một đám mây tương tự như những gì chúng ta được nhìn thấy trên các váng dầu trong một vũng nước. Hiện tượng thường xảy ra khi những đám mây nằm trong vùng gần vị trí biểu kiến của mặt trời hoặc mặt trăng.
Ông Tuấn cho biết mây ngũ sắc là hiện tượng nhiễu xạ do các giọt nước hoặc tinh thể băng nhỏ riêng lẻ tán xạ ánh sáng. "Mây ngũ sắc không phải là một hiện tượng quá hiếm gặp", ông Tuấn thông tin.
Sự phát ngũ sắc của mây do các giọt nước rất đồng đều nhiễu xạ ánh sáng (trong phạm vi 10 độ từ mặt trời) và do các hiệu ứng giao thoa bậc nhất (ngoài phạm vi 10 độ từ mặt trời). Nó có thể mở rộng tới 40 độ từ mặt trời.
Nếu các phần của mây chứa các giọt nước nhỏ hoặc các tinh thể băng có kích thước tương tự, thì hiệu ứng tích lũy của chúng được nhìn thấy như là các màu. Mây phải mỏng về mặt quang học để hầu hết các tia sáng chỉ gặp một giọt duy nhất.
Do đó, ngũ sắc chủ yếu được nhìn thấy ở rìa đám mây hoặc trong những đám mây gần trong suốt, trong khi những đám mây mới hình thành tạo ra ngũ sắc sáng nhất và nhiều màu sắc nhất. Khi các hạt nước hay băng trong một đám mây mỏng có tỷ lệ lớn kích thước giống nhau thì ngũ sắc có dạng cấu trúc của quầng sáng, một đĩa tròn sáng xung quanh mặt trời hoặc mặt trăng, với một hoặc nhiều vòng màu bao quanh.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân được chiêm ngưỡng mây ngũ sắc trên bầu trời TP.HCM. Vào ngày 12/5 năm ngoái, một đám mây ngũ sắc với hình thù lạ xuất hiện trên bầu trời TP.HCM cũng gây sốt, được chia sẻ ào ạt trên mạng xã hội.