Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Th. (61 tuổi) trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có tiền sử bị hẹp động mạch chậu bên trái và hẹp động mạch đùi phải được can thiệp đặt stent mạch chậu và động mạch đùi.
Bệnh nhân cho biết khoảng một tuần trở lại đây xuất hiện tình trạng đau và tê bì nhiều hai chân ngay cả khi nghỉ ngơi, tuy nhiên do mới can thiệp không lâu nên chủ quan chưa đi khám lại. Khi ra Quảng Ninh, ông Th. bất ngờ đau bụng dữ dội vùng thượng vị lan ra sau lưng được đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh, bác sĩ khám lâm sàng nhận thấy cơ 2 chân teo, da cẳng chân hai bên tím lạnh, không bắt được mạch.
Nghi ngờ do tắc mạch, bệnh nhân được chỉ định thực hiện siêu âm kết hợp chụp cắt lớp dựng hình mạch, kết quả cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng từ đoạn dưới hai động mạch thận đến động mạch chậu hai bên, tắc động mạch đùi bên phải.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của ThS.BS Trịnh Văn Mạnh – Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu liên khoa tim mạch, ngoại mạch máu với chẩn đoán tắc động mạch chủ bụng – động mạch chậu, động mạch đùi hai bên, thiếu máu độ IV 2 chi dưới.
Hình ảnh chụp cắt lớp dựng hình mạch của bệnh nhân khi bị tắc và tái thông sau phẫu thuật.
Nhận định đây là tổn thương rất phức tạp do tái tắc đoạn mạch đã từng đặt stent, khó có thể tiếp tục can thiệp nên các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối thay thế vị trí tắc nghẽn nhằm khơi thông máu xuống nuôi chi. Trường hợp này cần thực hiện mổ cấp cứu gấp bởi nếu để lâu tổn thương mạch ngày càng nặng và nguy hiểm, nguy cơ hoại tử hai chân không thể phục hồi, gây suy kiệt cơ thể, ảnh hưởng nặng nề cuộc sống sau này.
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, kíp mổ do ThS.BS Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh Quảng Ninh làm phụ trách chính cùng các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa tiến hành lấy mảng xơ vữa và huyết khối động mạch đùi hai bên, động mạch khoeo phải.
Phẫu thuật viên tiếp tục thực hiện bắc 3 cầu nối bằng đoạn mạch nhân tạo, khâu tăng cường miệng nối giữa động mạch nách trái – đùi trái, động mạch nách phải – đùi phải và động mạch đùi phải – khoeo phải. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, sau 4 giờ phẫu thuật, ca mổ diễn thành công, động mạch và tĩnh mạch thông tốt, căng phồng, tròn đều, hai chân hồng ấm và bắt được mạch. Đến nay, tình trạng sức khỏe bệnh nhân cải thiện đáng kể, đỡ đau và tê hai chân.
ThS.BS Phạm Việt Hùng đánh giá: “Ca phẫu thuật cho bệnh nhân Th. là trường hợp rất khó và phức tạp do bị tắc mạch nhiều đoạn dài không thể can thiệp đặt stent, bởi nếu tiếp tục đặt nguy cơ tái phát vẫn rất cao, chi phí lại tốn kém với một bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn nữa thành mạch bị xơ vữa nhiều năm nên quá trình mổ đòi hỏi chúng tôi phải hết sức cẩn trọng, khéo léo với những đoạn dễ bị tổn thương khi làm nhiều miệng nối mạch máu. Bằng kinh nghiệm phẫu thuật mạch máu bài bản cùng sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng giữa các khoa tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, ngoại mạch máu và gây mê hồi sức đã giúp đôi chân của bệnh nhân phục hồi trở lại. Điều này không chỉ mang lại hạnh phúc cho người bệnh và gia đình mà còn là niềm vui của đội ngũ y bác sĩ chúng tôi”.
Không chỉ có trường hợp bệnh nhân Th. mà trong thời gian gần đây, BVĐK tỉnh Quảng Ninh còn thực hiện phẫu thuật thành công rất nhiều trường hợp chấn thương mạch máu cấp tính bằng thay ghép đoạn mạch cũng như nhiều bệnh nhân bị bệnh lý phình vỡ động mạch chậu nguy kịch được cứu sống ngoạn mục. Điều này khẳng định trình độ chuyên môn ngày càng vững vàng, bản lĩnh và chuyên nghiệp của đội ngũ phẫu thuật viên khi xử trí những ca bệnh khó và phức tạp mà trước đó chỉ có thể chuyển lên tuyến trung ương.
Bệnh tắc hẹp động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng bệnh lý của động mạch chủ và các động mạch chi dưới, trong đó lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cơ và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) phía dưới vùng cấp máu. Thiếu máu cơ sẽ dẫn đến chuyển hóa yếm khí, tăng acid lactic gây ra đau cơ, lúc đầu sẽ xuất hiện khi gắng sức, về sau đau cả khi nghỉ ngơi, teo cơ. Thiếu máu da, thần kinh gây ra tê bì, loạn dưỡng, loét và cuối cùng là hoại tử chi. Nguyên nhân chính gây bệnh tắc hẹp động mạch chi dưới là do hình thành xơ vữa trong lòng động mạch. Các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch bao gồm: thường gặp ở lứa tuổi 55-60, giới nam/nữ = 3/1, thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, siêu âm doppler mạch và quan trọng nhất là chụp cắt lớp vi tính mạch máu để xác định chính xác vị trí tắc hẹp. Việc điều trị dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh, điều trị nội khoa bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu và loại bỏ các yếu tố nguy cơ được áp dụng cho giai đoạn I, II và sau khi phẫu thuật hoặc can thiệp mạch. Giai đoạn thiếu máu trầm trọng III và IV cần điều trị can thiệp mạch hoặc phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh hậu quả nghiêm trọng về sau. |