Hà Nội

Mày đay ở trẻ em cần xử trí ra sao?

15-02-2024 13:55 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Mày đay là một tình trạng da phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Đây cũng là biểu hiện thường gặp của bệnh nhân tại các phòng cấp cứu, phòng khám da liễu, phòng khám dị ứng. Khi trẻ em bị mày đay cần xử trí thế nào?

Cách ứng phó với chứng mày đayCách ứng phó với chứng mày đay

SKĐS - Rất nhiều người bị nổi mày đay khi gặp thời tiết lạnh. Đây là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da, kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh. Làm thế nào để thoát khỏi căn bệnh gây khó chịu này khi mùa đông tới?

Một số tác nhân làm may đay phát triển

Đặc trưng của mày đay là diễn tiến nhanh. Mày đay là một phản ứng viêm da với cơ chế phức tạp xoay quanh chất trung gian chủ yếu là histamine, diễn ra sau khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố thúc đẩy.

Một số tác nhân thúc đẩy mày đay bộc phát, trong đó có thể kể đến các yếu tố sau:

- Yếu tố tiếp xúc các chất có nguồn gốc động vật hoặc thực vật: Sâu, sứa, nhện, côn trùng, phấn hoa, bụi cỏ, bụi từ môi trường…

- Yếu tố vật lý:

  • Mày đay do lạnh: Xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh (không khí lạnh, tắm lạnh…)
  • Mày đay do nóng: Xảy ra sau khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời, tia cực tím, tia xạ, nguồn nhiệt…

- Yếu tố cơ học: Sức ép (mặc quần áo chật), chà xát là các yếu tố thuận lợi khởi đầu mày đay.

- Thức ăn: Là tác nhân thường hay gặp. Các loại thức ăn có thể là: Hải sản (tôm, của, sứa, ghẹ…), trứng, bò, thịt, sữa…

- Thuốc và hóa chất: Các thuốc có khả năng gây dị ứng tùy cơ địa mỗi người khác nhau, hay gặp như kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, vaccine… các loại hóa chất như chất tẩy rửa, chất sát khuẩn…

- Tác nhân tâm lý: Sang chấn tâm lý, xúc động mạnh.

- Tác nhân gây nhiễm: Ký sinh trùng (ghẻ, giun sán, amib…), nhiễm trùng hô hấp trên (tai mũi họng, răng hàm mặt…)

Ngoài ra, một số bệnh lý hệ thống: Bạch cầu cấp, suy giảm miễn dịch mắc phải, bệnh mô liên kết… cũng có thể là yếu tố khiến trẻ mắc mày đay.

Mày đay ở trẻ em cần xử trí ra sao?- Ảnh 2.

Nổi mề đay do nhiều nguyên nhân gây ra và chủ yếu là do các tác nhân từ bên ngoài.

Biểu hiện mày đay ở trẻ

Khi trẻ mắc mày đay sẽ có biểu hiện sẩn phù hoặc mảng hồng ban phù nề, bờ tròn hay giới hạn không đều, kích thước thay đổi từ vài mm đến 10 - 20cm hoặc lớn hơn, màu hồng, nếu sang thương lan rộng ra ngoại vi thì trung tâm có màu trắng, sờ căng. Ngứa nhiều, ngứa thường trước phát ban và lan tỏa ra cả ngoài vùng phát ban. Theo thời gian khỏi bệnh, lâm sàng có thể chia 2 loại là mày đay cấp và mày đay mạn tính.

- Nếu tình trạng cấp, nghĩa là mày đay xuất hiện dưới 6 tuần. Trong các trường hợp mày đay cấp tính, quan trọng nhất phải loại trừ các giai đoạn nặng của phản vệ (từ phản vệ độ 2 trở lên).

Trong mày đay cấp tính khoảng 50% mày đay cấp có yếu tố thúc đầy. Các yếu tố thúc đẩy thường gặp là nhiễm trùng hô hấp trên (40%), phản ứng thuốc (9,2%) và do thức ăn (0,9%); còn lại khoảng 50% là mày đay vô căn.

- Nếu tình trạng mạn tính, có khoảng 50% mày đay vô căn, còn lại có yếu tố thúc đẩy chiếm 25%, liên quan bệnh tự miễn chiếm 20%, liên quan bệnh nhiễm trùng chiếm 5% và giả dị ứng chiếm 5%.

Để xác định mày đay cấp tính, các bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm, nên làm thêm khi mày đay cấp có nguyên nhân dị ứng được nghi ngờ như phản ứng qua trung gian IgE là nghiệm pháp lẩy da và miễn dịch huỳnh quang.

Trong mày đay mạn, xét nghiệm bao quát không được khuyến cáo để đánh giá mày đay mạn, vì nó hiếm khi xác định được nguyên nhân hay tác động đến sự kiểm soát bệnh lâu dài. Nên dựa vào bệnh sử - tiền sử để xem xét xét nghiệm tìm nguyên nhân các bệnh lý tự miễn.

Điều trị mày đay ở trẻ

Điều trị theo nguyên tắc cơ bản là điều trị khi cần và liều càng thấp càng tốt, nghĩa là tăng hoặc giảm phác đồ điều trị theo diễn tiến bệnh.

Xác định và loại trừ nguyên nhân gây bệnh, tránh các yếu tố khởi phát: Để loại trừ được nguyên nhân gây bệnh cần thiết phải có chẩn đoán chính xác nguyên nhân, nhưng để xác định nguyên nhân mày đay là rất khó, vì trong đa số các trường hợp do trên 50% nguyên nhân mày đay là vô căn.

Cảm ứng dung hòa: Hiệu quả trong một số dạng mày đay như mày đay do lạnh, mày đay do ánh nắng, tia xạ…

Điều trị bằng thuốc:

  • Kháng histamine là thuốc chủ lực trong điều trị mày đay. Điều trị hàng đầu là kháng H1 bắt đầu ở liều thấp, nếu kém đáp ứng có thể nâng liều lên gấp 4 lần so với liều tiêu chuẩn cho đến khi có đáp ứng.
  • Nếu bệnh vẫn còn, có thể phối hợp kháng H2 hoặc chất đối kháng Leucotrien – Recerptor.
  • Có thể dùng corticoid toàn thân.
  • Xem xét dùng ức chế miễn dịch: Cyclosporine, Methotrexate, Dapsone, các chế phẩm sinh học (Omalizumab…).

Tóm lại: Nổi mề đay do nhiều nguyên nhân gây ra và chủ yếu là do các tác nhân từ bên ngoài, vì thế để giảm thiểu các triệu chứng ở người bệnh thì điều đầu tiên cần làm là ngừng tiếp xúc với những tác nhân trên.

Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát mề đay ở trẻ em:

Cho trẻ tắm hoặc chườm đắp khăn mát để giảm viêm, giảm nóng rát và ngứa ngáy. Khi tắm có thể thêm vào một số tinh dầu tự nhiên như bạc hà, dầu khuynh diệp… để tăng hiệu quả giảm ngứa.

Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ có thể sử dụng các loại thảo dược như chè xanh, lá khế, trầu không… để giúp dứt cơn ngứa, giảm ban đỏ, sẩn cục... do mề đay gây ra.

Dặn dò trẻ không được chà xát và gãi cào lên da. Tác động cơ học từ phản ứng này có thể khiến mề đay lan rộng và ngứa ngáy dữ dội.

Cho trẻ ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe và ổn định hệ miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy chức năng đề kháng tăng giúp giảm phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, qua đó cải thiện mề đay mẩn ngứa và các tình trạng da liễu khác.

BS Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn