Hà Nội

Mày đay mạn tính, trị thế nào?

06-04-2016 15:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Tôi hay bị nổi mề đay như dát muỗi cắn, rất ngứa. Đi xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra gan các chỉ số bình thường.

Tôi hay bị nổi mề đay như dát muỗi cắn, rất ngứa. Đi xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra gan các chỉ số bình thường. Đến nay đã hơn 3 tháng tôi có uống viên thuốc chống dị ứng nhưng bệnh chỉ đỡ mà không khỏi hẳn, vẫn tái phát. Xin hỏi bệnh của tôi điều trị thế nào?

Nguyễn Hải Sơn (nguyenson@gmail.com)

Mày đay là bệnh da dễ nhận biết nhưng cũng là bệnh khó phát hiện nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân gây mày đay (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) một số thì đơn giản, dễ nhận biết, một số khác thì rất khó phát hiện dù có đầy đủ xét nghiệm. Trên một bệnh nhân không chỉ có một mà có nhiều yếu tố gây bệnh. Trường hợp bạn đã hơn 3 tháng là mày đay mạn tính, dùng thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời, muốn điều trị có hiệu quả thì phải tìm ra nguyên nhân nhưng như trên đã nói tìm nguyên nhân nhiều khi không dễ phát hiện. Vì vậy, bạn nên tự theo dõi xem những loại thức ăn, thuốc uống nào có thể gây dị ứng để tránh và tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê. Trong cơn mày đay cấp, cần ăn nhẹ, giảm muối. Nếu gây ngứa khó chịu nhiều có thể dùng giấm thanh pha nước ấm (1 phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm. Đối với mày đay mạn tính vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần phải đến bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng miễn dịch lâm sàng khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra đúng nguyên nhân, điều trị mới có hiệu quả.

BS. Vũ Lan Anh


Ý kiến của bạn