Hà Nội

Mày đay cấp và mạn tính

22-01-2019 15:02 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Con tôi năm nay 15 tuổi, thường xuyên bị mày đay, đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu nói là cháu bị mày đay mạn tính, có lúc khám điều trị thời gian trước đó thì bác sĩ khác chẩn đoán là mày đay cấp tính. Vậy tôi xin hỏi mày đay cấp và mãn tính khác nhau như thế nào và cách điều trị?

(Nguyễn Thị Minh T. - Cần Thơ)

Mề đay là một bệnh da phổ biến, có 2 thể cấp và mạn tính, cơ chế sinh bệnh phức tạp, xoay quanh chất trung gian chủ yếu là Histamin; khi bệnh mới khởi phát sau đó sẽ khỏi gọi là cấp tính, tuy nhiên nếu bệnh kéo dài day dẳng trên 6 tuần thì gọi là mạn tính.

Về điều trị, thì giữa cấp và mạn thì gần như không có gì khác biệt nhiều; đa số trường hợp mày đay là lành tính, chỉ gây ngứa ở mức độ khác nhau và ảnh hưởng ít nhiều đến trạng thái tinh thần người bệnh, làm bệnh nhân khó chịu; có trường hợp mày đay cấp, diễn biến theo kiểu sốc phản vệ, gây tím tái, khó thở, sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, có khi dẫn tới tụt huyết áp, trụy tim mạch, đe dọa tính mạng, phải cấp cứu tích cực mới qua khỏi; với mề đay dạng  phù Quinck là một thể mày đay đặc biệt ở mặt, niêm mạc sinh dục, làm cả một vùng mặt sưng vù, cộm cứng, ngứa vừa phải, có thể gây phù nề thanh quản, khó thở, nếu không kịp thời xử trí, chứng này có thể dẫn tới tử vong do suy hô hấp. Việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh giữ vai trò hết sức quan trọng, trong việc  loại bỏ yếu tố gây bệnh, như tránh ăn một số thức ăn, thức uống, một số thuốc có thể gây dị ứng; tránh các chất kích thích như gia vị, cà phê, thuốc lá rượu - bia…; trong cơn mày đay cấp cần ăn nhẹ, giảm muối, trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm, một phần giấm hai phần nước để thoa hay tắm, hạn chế tối đa gãi do ngứa vì càng gãi càng ngứa và dễ gây tổn thương thêm trên da; trường hợp mày đay do lạnh, nên hết sức thận trọng khi đi tắm sông, tắm biển, đề phòng bị chuột rút rất nguy hiểm, tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin thoa vì dễ gây viêm da dị ứng, pomade dạng corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ như teo và mất màu ở da, nhất là khi thoa kéo dài.

Hiện nay có nhiều thuốc chống dị ứng, còn gọi là thuốc kháng histamin ra đời, điều trị cắt cơn mề đay rất hiệu quả,  thuốc thế hệ củ thường gây khó chịu cho người bệnh là gây buồn ngủ, ngầy ngật, mệt mỏi, giảm tiết gây khô niêm mạc mũi - miệng, thế hệ mới ít gây buồn ngủ hơn, hiệu quả cao hơn, vì mày đay rất khó xác định nguyên nhân nên việc điều trị thường chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn tạm thời, hay còn gọi là điều trị cắt cơn, thuốc thường dùng thuộc nhóm kháng histamin,  điều trị một đợt từ 7 - 10 ngày, có thể sử dụng một trong các thuốc chứa biệt dược  cắt triệu chứng của mày đay… Nếu nặng hơn, khó cắt cơn bởi các thuốc trên có thể kết hợp thuốc corticoides, uống hay tiêm, 16mg dùng cho đường uống và 40mg cho đường tiêm tĩnh mạch, chỉ nên dùng trong điều trị mày đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Một số trường hợp nổi mày đay do viêm mạch, mày đay do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường; không  dùng cho người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng vì thuốc có thể gây biến chứng xuất huyết do bệnh lý trên. Giai đoạn 2 là dùng thuốc giải mẫn cảm đặc hiệu như Histaglobin tiêm dưới da, 1 ống  2ml, cách 3 ngày tiêm 1 lần, đợt điều trị 3 - 9 ống.Thuốc cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn
Tags: