Máy dập nắp cốc nhựa cứa đứt lìa bàn tay bé trai

24-04-2023 14:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối liền bàn tay cho bé trai 21 tháng tuổi bị đứt lìa do máy dập nắp cốc nhựa.

Ngày 17/4, bé trai V.Đ.T, 21 tháng tuổi được đưa tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng bàn tay phải bị đứt lìa.

Thông tin từ gia đình cho biết, bệnh nhi bị tai nạn do cho tay vào máy dập nắp cốc nhựa. Sau khi sự việc xảy ra, cháu bị đứt rời bàn tay phải, mỏm cụt cẳng tay phải máu phun thành tia. Ngay lập tức gia đình đã sơ cứu cầm máu và để bàn tay bị đứt lìa vào trong túi nilon sau đó cho vào thùng nước đá rồi đưa đến sơ cứu tại trạm y tế xã.

Tại trạm y tế xã, cháu đã được băng ép cầm máu mỏm cụt, kiểm tra lại cách bảo quản bàn tay đứt rời và chuyển lên tuyến trên để điều trị.

7 giờ phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay cho bé trai 21 tháng tuổi - Ảnh 1.

Tình trạng bàn tay bệnh nhi khi nhập viện.

Khi bệnh nhi nhập viện, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khởi động quy trình báo động đỏ, Khoa hồi sức cấp cứu đã thực hiện các bước sơ cứu cơ bản và hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản nhanh nhất. Cùng lúc đó Khoa Gây mê hồi sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc mổ và huy động một kíp phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, một kíp phẫu thuật tạo hình vi phẫu nhiều kinh nghiệm của bệnh viện vào thực hiện ca mổ cấp cứu cho bệnh nhi.

Kíp phẫu thuật gồm 2 chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình có nhiệm vụ thực hiện đặt lại xương khối tụ cốt, cố định bằng kim Kirschner, phục hồi khớp cổ tay; nối toàn bộ gân gấp (11 gân) và gân duỗi bị đứt (11); Khoa Phẫu thuật tạo hình - vi phẫu thực hiện khâu nối động mạch quay, động mạch trụ, thần kinh giữa, thần kinh trụ và nhánh nông của thần kinh quay dưới kính vi phẫu.

Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 22h30 phút và kết thúc 5h30 sáng ngày 18/4. Sau mổ bệnh nhi được điều trị tích cực kết hợp với phục hồi chức năng và thay băng chăm sóc vết thương.

Sau một tuần phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt ăn uống được, chơi ngoan. Vết thương hiện đang lành, bàn tay ấm hồng, các ngón tay có thể cử động nhẹ. Phía bệnh viện vẫn đang tiếp tục theo dõi và phục hồi chức năng cho bệnh nhi khi thích hợp.

Sau hậu phẫu bàn tay bệnh nhi ấm nóng, ngón tay đã có thể cử động nhẹ.

Nhận định về trường hợp trên, TS.BS Đỗ Văn Minh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Đây là ca mổ tổn thương phức tạp do bệnh nhân chỉ mới 21 tháng tuổi nên các cấu trúc giải phẫu đều rất nhỏ. Bên cạnh đó tổn thương đứt rời bàn tay tại vị trí khớp cổ tay là nơi có giải phẫu phức tạp bao gồm tổn thương nhiều xương nhỏ của khối tụ cốt cổ tay, nhiều gân gấp (11 gân), nhiều gân duỗi (11 gân duỗi), thần kinh trụ, thần kinh giữa, nhánh nông thần kinh quay, động mạch quay, động mạch trụ), tổn thương chi thể ngoài tổn thương đứt rời còn có tổn thương bỏng nhiệt ở mặt mu tay. 

Đáng nói, khi gia đình đưa đến một đơn vị bệnh viện khác máy vi phẫu bị hỏng, nếu chậm trễ bệnh nhân có thể đánh mất thời gian vàng, làm giảm tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật. Tuy nhiên có một số yếu tố thuận lợi cho ca phẫu thuật là phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách và thời gian từ khi tai nạn đến khi tới viện tương đối sớm chỉ sau 3 giờ đồng hồ".

Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng khuyến cáo cha mẹ cần phòng ngừa các khả năng gây tai nạn thương tích cho trẻ tại nhà. Nếu không may xảy ra tai nạn, cần sơ cứu đúng cách cho phần chi thể bị đứt rời. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ sở y tế cũng rất quan trọng, cần hướng dẫn gia đình bệnh nhân liên hệ đến tuyến trên trước khi chuyển đến để tránh làm mất thời gian vàng trong điều trị cấp cứu.

Xem thêm video được quan tâm:

5 Cách Ăn Uống Bảo Vệ Sức Khỏe Tim Mạch | SKĐS


Khánh Chi
Ý kiến của bạn