Vài năm nay thấy dân Việt ta sôi sùng sục lên vì những tuyên bố đanh thép và cả việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Người ta kỳ vọng nhiều vào ông khi nghe ông nói rất có lý. Nhưng những cái lý ấy khi áp dụng vào Việt Nam nó lại vô lý đùng đùng. Bởi ví dụ cứ mỗi sáng lao xe ra đường đi làm và nhẩm tính xem, thì phải có đến trên 90% người Việt di chuyển bằng xe máy. Cấm xe máy thì họ di chuyển bằng gì? Bằng buýt nhé. Xin thưa tất cả các vỉa hè đều bị chiếm dụng thì họ đi bộ như thế nào để đến buýt và rời buýt. Rồi bụi bặm bẩn thỉu như thế, nắng nôi như thế,... tự nhiên lại thấy phục mấy đại gia Việt nghĩ ra cách mua... máy bay bay chơi, chả liên quan đến ai. Nhưng té ra không phải thế, mới đây một chuyến bay liên lạc với không lưu mặt đất không được đã phải bay vòng vòng để liên lạc lại. Lý do giản dị thôi, kiểm soát viên quên... bật nút micro. Rồi thêm vụ suýt nữa thì hai máy bay đâm vào nhau vì trùng đường băng, nên phương án mua máy bay cũng chưa chắc đã khả thi. Nhưng nếu cứ xe máy mãi thì đến lúc nào dân tộc ta mới thoát được kiếp nạn xe máy, chả lẽ cứ mãi mãi chúng ta đồng hành cùng xe máy, cưỡi xe máy đến đỉnh vinh quang được. Thì quả là, không biết từ đâu và từ hồi nào, cái xe máy nó lại dính cứng lấy... người Việt đến như thế. Tôi nghiệm thấy có 2 món vật dụng được người Việt ta “phổ cập” nhanh nhất là xe máy và điện thoại di động. Có thời chỉ đại gia mới có con di động to như cục gạch, vừa để alô vừa để... chèn bánh xe lỡ khi mất phanh, giờ thì các anh xe ôm, các chị bán rau, các o bán vịt lộn, các bà mua ve chai, em bán vé số... đều dùng điện thoại như vật bất ly thân, thậm chí tôi từng thấy có người ăn xin cũng có điện thoại di động.
Nguy cơ ùn tắc giao thông do phương tiện cá nhân rất cao.Ảnh: Trần Minh
Nhưng xe máy thì khác. Đã đành nó là vật dụng phù hợp với đời sống người Việt, nhưng nó cũng gây nên những thảm cảnh mà ai cũng chứng kiến hàng ngày: tắc đường và tai nạn. Trên thế giới chắc chỉ có dân Việt ta là xài xe máy kín đường như thế, nhà nghèo thì một hai cái, nhà giàu thì ba bốn năm sáu, xe máy từ là đồ trang sức, là của để dành, trở thành vật dụng thông thường.
Cứ tốc độ này, xe máy sẽ chen người và choán hết chỗ của người. Con người phải sống chung và tranh cướp không gian chật chội với xe máy. Dẫu hoàn toàn không muốn lấy nước ngoài để so sánh, nhưng đúng là mấy nước mà tôi từng qua, xe máy rất ít, có những nơi hầu như không có như Singapore, thế mà đất nước của họ vẫn phát triển, vẫn không có ai chết vì phải... đi bộ, đi tàu điện ngầm, đi xe bus.
Tất nhiên, để hạn chế tiến tới cấm xe máy thì nhà nước cũng phải bảo đảm điều kiện để thay thế, nhưng không có nghĩa là con người không phải đi bộ. Để đến bến xe bus, bến tàu điện ngầm... vẫn phải đi bộ, trung bình năm trăm mét đến một cây số. Và thú thật, tôi rất thích ngắm các cô gái mặc váy công sở chân tăm tắp đi thoăn thoắt ở các ga xe bus hoặc tàu điện ngầm bên Singapore. Trời cho cái dáng chuẩn thế, cặp chân đẹp thế, không đi bộ để khoe cũng phí. Nhưng phải nói thêm, là đường phải thông, hè phải thoáng và rất ít bụi để các cô có dịp khoe.
Chuyện chậm trễ của Vietnam Airline thường xuyên khiến khách hàng phiền lòng.
Có lần đọc báo thấy chuyện một ông đi nhờ máy bay đã suýt chết vì... bí tiểu. Số là ông này chơi với một đại gia có máy bay riêng. Nhậu sương sương, ông kia rủ ông này đi cùng. Nhảy lên ngồi một lúc thì bí đầu ra mà trên máy bay cá nhân không có toilet, nhưng lại có phụ nữ ngồi đấy nên không thể dùng chai nhựa thay... toilet được. Tôi cũng đã từng nếm cái cảm giác hãi hùng này khi ngồi ôtô từ đường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) lên Quảng Bá đúng ngày bắn pháo hoa ở Mỹ Đình. Trót dại làm mấy cốc bia mà lại tắc đường gần 8 tiếng đồng hồ, xe đứng cứng ngắc không tới không lui được. May là trên xe tôi không có nữ mà lại sẵn vỏ chai Lavie. Nhẹ nhõm rồi mới thương hàng vạn người nam phụ lão ấu chôn chân cả ngày trời trên đường, cái nhu cầu tối thiểu của con người không được giải quyết, chắc là họ phải nhớ đời.
Hàng không Việt Nam thời gian gần đây liên tục hủy chuyến, chậm chuyến. Thôi thì cái sự chẳng đặng đừng với hàng tỷ lý do, nào là máy bay về chậm, nào là về rồi nhưng không có sân nên đành lượn vòng trên trời cả nửa tiếng để chờ sân, nào là xuống sân rồi nhưng lại không có... thang, nào là có ông dở hơi nào đấy muốn xuống nhanh bèn tự... mở cửa thoát hiểm, báo hại vừa bị về chậm vừa phạt tiền mà xanh mặt nhớ đời... Rất nhiều lý do khác nhau nhưng có một điểm giống nhau, ấy là nhà tàu bay rất ít thông báo lý do cho khách, cứ lấp lửng thông báo nửa tiếng một khiến khách không biết đằng nào mà lần, đi tìm người có trách nhiệm để hỏi cũng chả thấy đâu, vì sân bay rộng thế, chỉ thấy tiếng loa phát ra chứ có thấy người đâu, và lạ lùng thay, rất ít lời xin lỗi, chỉ thấy thông báo, thông báo và... thông báo.
Và nhờ thế mà... vặt ngược lại hành khách. Một tô mì tôm năm sáu chục ngàn, cái bánh mì cũng năm chục, chai nước gấp chục lần ở ngoài, và mới nhất họ triển khai một loạt hộp ngủ với giá tiền triệu mỗi ngày. Nghe nói các sân bay nước ngoài cũng có dịch vụ này, nhưng họ ít delay, hủy chuyến, còn ta thì thường xuyên, bày cái này ra, y như kiểu bắt chẹt khách, dù sự bắt chẹt đã từng xảy ra, đã bị khách kêu ca rất nhiều.
Nhớ hồi hãng Air Mekong còn hoạt động, sân bay Pleiku rất nhộn nhịp, Vietnam Airline thường xuyên cho khách bay Fokker thay vì ATR72 như hiện nay, đơn giản là vì Air Mekong bay toàn phản lực Bombardier CRJ-900ER. Nay Air Mekong ngừng bay, chả còn ai cạnh tranh, khách Pleiku lại chỉ được bay ATR 72, cũng chả sao, chỉ có nó mất 2 tiếng 10 phút mới tới Hà Nội, trong khi nếu bay Fokker thời gian chỉ hơn tiếng. Cái giá của độc quyền phải đến khi bị cạnh tranh mới thấy rõ.
Tôi là người lạc quan, nên tôi tin những chuyện tào lao trên trời kia sẽ được giải quyết một cách nghiêm túc ở mặt đất, để mọi việc sẽ tồn tại một cách có lý nhất như nó phải thế.
Văn Công Hùng