Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh (33 tuổi, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - một trong số những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn đặc công 18 – Bộ Tư lệnh Thủ đô, trong vụ rơi trực thăng Mi-171 ngày 7/7, đã hy sinh do sốc bỏng, sốc chấn thương và suy thận vào sáng 2/9.
Đông đủ gia quyến, đồng đội, bạn bè và bà con lối xóm đã có mặt tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103 từ rất sớm để thắp nén tâm hương lên người chiến sỹ xấu số.
Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh ra đi để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới 6 tuổi. Bên linh cữu bố, em Nguyễn Đình Hùng giàn giụa nước mắt. Hùng còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau này.
Ông Nguyễn Như Ngoãn - bố của thượng úy Nguyễn Hoàng Anh tỏ vẻ mệt mỏi. Ông cũng từng là một người lính. Người cựu binh ấy cố gắng thể hiện bản lĩnh của một người lính trước những giây phút khó khăn mà ông và gia đình phải hứng chịu. Nước mắt có lẽ đã khô, ông ngồi nhìn linh cữu con vẻ mặt sầu thảm.
Suốt từ ngày con nhập viện, ông Ngoãn hầu như ở lại bệnh viện để chăm sóc con và mong điều kỳ diệu sẽ đến. Nhưng điều đó đã mãi mãi không xảy ra. Hôm nay, lòng người lính già ấy tê tái của sự mất mát.
Lễ viếng thượng úy Nguyễn Hoàng Anh bắt đầu từ 7h30 phút. 10h, sau lễ truy điệu, đoàn xe tang đưa linh cữu thượng úy Nguyễn Hoàng Anh rời Bệnh viện Bỏng để về an táng tại nghĩa trang xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình quê hương anh.
Trước khi hy sinh, thượng úy Hoàng Anh đã có những ngày nỗ lực chiến đấu với vết thương, anh đã vài lần được các bác sĩ dự định “cai” máy lọc máu liên tục để chuyển sang biện pháp điều trị mới nhưng không thành. Sáng 2/9, thượng úy Hoàng Anh qua đời do sốc nhiễm trùng, suy thận nặng.
Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh là chiến sỹ thứ 20 hy sinh trong chuyến huấn luyện bay của Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội sáng 7/7. 16/21 thành viên tham gia chuyến bay đã hy sinh tại chỗ, hai người mất ngay trong khi được cấp cứu tại bệnh viện. Còn lại ba người là thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, thượng úy Đinh văn Dương và Nguyễn Hoàng Anh được tiếp tục điều trị. Thượng úy Tuấn cũng đã hy sinh hôm 19/7.
Trong số 21 phi công, giáo viên huấn luyện dù, chiến đấu viên đặc công và học viên tham dự chuyến bay sáng 7/7, chỉ duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương còn sống và đang được tiếp tục cứu chữa tại Viện Bỏng quốc gia
Ông Trịnh Văn Hảo, cậu ruột của chiến sỹ Đinh Văn Dương cho biết: “Dương đã tỉnh lại từ nhiều tuần trước. Tuy chưa thể cử động được nhưng Dương có thể nghe và hiểu người bên cạnh nói chuyện”. Sức khỏe thượng úy Đinh Văn Dương đã diễn biến tốt dần lên.
Một số hình ảnh lễ tang thượng úy Nguyễn Hoàng Anh: